Cập nhật: 22/08/2009 17:03:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những ngày gần đây, nhiều phương tiện thông tin đại chúng và các chuyên gia kinh tế nổi tiếng nhận định: Kinh tế thế giới có những dấu hiệu hồi phục. Các nền kinh tế lớn bắt đầu ra khỏi suy thoái. Trước những thời cơ mới trên, nền kinh tế nước ta cần có những đối sách và giải pháp thích hợp để ứng phó với tình hình.

Nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng trên thế giới nhận định rằng, các nền kinh tế lớn đang dần thoát khỏi suy thoái là dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu đã chạm đáy khủng hoảng và bắt đầu tăng trưởng trở lại. Nhà kinh tế Trưởng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Ô-Blan-sớt nhận định, kinh tế thế giới bắt đầu ra khỏi khủng hoảng, song để duy trì sự phục hồi, ổn định, các nước vẫn phải tiếp tục hành động. Ngân hàng Dự trữ Ô-xtrây-li-a(RBA) cũng cho rằng, kinh tế thế giới dần ổn định và phục hồi, vì các ngân hàng trung ương không điều chỉnh lãi suất trong thời gian qua. Theo mạng The Daily Tribune, các nền kinh tế đang thoát khỏi suy thoái. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba ma cho biết, cộng đồng kinh doanh Mỹ nhận định, những dấu hiệu cho thấy “ tình hình khó khăn của nền kinh tế Mỹ đã lùi lại đằng sau và sự phục hồi đang ở phía trước”. Đức và Pháp thông báo đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của suy thoái. Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ đạt tăng trưởng 7% năm nay. Tại Nhật Bản, các chỉ số kinh tế cải thiện mạnh, báo hiệu chấm dứt thời kỳ suy thoái. Mạng tin Nhà kinh tế nhận định: các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á đang tăng trưởng nhanh, trong đó, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và Xin-ga-po đạt tăng trưởng GDP trong quý II-2009 với mức tăng trung bình hàng năm hơn10%.

Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau và cũng có những lời cảnh báo chớ nên lạc quan quá sớm, nhưng những diễn biến của một số nền kinh tế cho thấy không quá ảm đạm so với cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Đối với nền kinh tế nước ta, thời gian qua cũng có những dấu hiệu tích cực: chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, chuyển mạnh sang cơ chế giá thị trường, bảo đảm được an sinh xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng, có những bước chuẩn bị tích cực cho những tháng cuối năm 2009.

 

Trước những diễn biến mới của nền kinh tế thế giới, chúng ta cần có những đối sách và giải pháp thích hợp nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề đang đặt ra. Tiếp tục sử dụng tốt các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng cao năng lực của nền kinh tế cả về cơ sở hạ tầng, cả về năng lực sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và về chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề xử lý tốt các “ điểm nghẽn phát triển”. Tập trung đầu tư sớm đưa vào vận hành các công trình giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng nông thôn, điện năng, dầu khí, phân bón, xi măng, các dự án khai thác khoáng sản ... Mở rộng hình thức hỗ trợ lãi suất vay vốn cố định nhằm giúp các doanh nghiệp tận dụng thời cơ giá thấp để đầu tư trang thiết bị, công nghệ, tăng năng lực sản xuất, mở rộng bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo tiền đề cho việc cơ cấu lại nền kinh tế bảo đảm tăng trưởng bền vững. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Khẩn trương chấn chỉnh công tác khai thác than và các loại khoáng sản khác, bảo đảm sử dụng có hiệu quả tiết kiệm các nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt các tài nguyên không tái tạo.

 

Cùng với các biện pháp kích cầu, cần tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp tục hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản, trước hết là hỗ trợ tiêu thụ hàng hoá nông sản nhằm duy trì sản xuất, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân. Hỗ trợ đầu tư công nghệ sau thu hoạch (bảo quản, chế biến) đối với ngành nông nghiệp. Khuyến khích hỗ trợ hàng tiêu dùng nội địa nhất là thực phẩm, đồ uống hàng dệt may, thuốc chữa bệnh; ưu tiên hỗ trợ hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động. Triển khai mạnh và hiệu quả việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn, trung hạn của các tổ chức, cá nhân để đẩy mạnh đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh, mua máy móc thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng, nhà ở trong khu vực nông thôn. Khuyến khích đổi mới công nghệ, hoàn thiện quản lý, triệt để tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nhằm hạ giá thành, phí lưu thông, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Sớm ban hành và thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ cao và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

 

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện để thu hút và giải ngân nhanh các nguồn vốn ODA. Chuẩn bị tốt các điều kiện về quy hoạch mặt bằng, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực ( đặc biệt là nhân lực chất lượng cao) để thu hút vốn FDI vào các ngành, lĩnh vực theo định hướng và yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

 

Tiếp tục tổ chức chiến dịch quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài; xúc tiến mạnh mẽ du lịch trong nước. Đẩy mạnh thực hiện các dự án du lịch quốc gia trọng điểm, tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Năm du lịch 2010. Hoàn thành đúng tiến độ các dự án phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

 

Cơ cấu lại các mặt hàng xuất khẩu, hướng vào các mặt hàng chế tạo, chế biến, phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới, đồng thời mở rộng thêm thị trương xuất khẩu. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước ở ba cấp: doanh nghiệp, hiệp hội ngành và chính phủ nhằm mở thêm thị trương mới, chú ý khai thác các khu vực mới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Tăng đầu tư ra nước ngoài đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng khai khoáng và nông nghiệp. Kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ, chủ yếu là các hàng rào kỹ thuật phù hợp với quy định của WTO. Chủ động ứng phó với chính sách bảo hộ mậu dịch của các đối tác thương mại, nâng cao năng lực giải quyết các vụ kiện thương mại quốc tế . Áp dụng các biện pháp đồng bộ để chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm.

 

Đi liền với các biện pháp trên, là nhanh chóng chuyển chính sách tài chính, tiền tệ từ thắt chặt sang thực hiện chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng và đề phòng tái lạm phát. Trên cơ sở thực hiện các biện pháp trên, tiếp tục chăm lo đời sống các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm đối với các đối tương trong xã hội.

 

Tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến theo chiều hướng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, trong bối cảnh đó, chúng ta phải thường xuyên bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2009, tạo đà cho việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010./.

 

 

Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm