Cập nhật: 24/08/2009 23:09:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tân Hoa Xã, Sylvain Plasschaert, giáo sư kinh tế người Bỉ thuộc Trường Đại học Antwerp và Leuven cho biết, chính đồng euro đã giúp châu Âu thoát khỏi thảm họa tài chính lớn hơn trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

  “Nhờ có đồng euro mà châu Âu đã thoát khỏi thảm họa khác về tài chính”, ông nhận xét, đơn vị tiền tệ này thực sự đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng tài chính.

 

“Nếu không có đồng euro, chúng ta sẽ gặp phải thảm họa vì các nước sẽ phải hạ thấp mệnh giá đơn vị tiền tệ của mình khi đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính. Điều này còn tệ hơn là một thảm họa”, ông giải thích. Nhưng ông cũng cho biết, châu Âu đã phải chịu nhiều tổn thất kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và “vẫn đang chịu tổn thất” do các nhà đầu tư đã bị thua lỗ rất nhiều tiền tại thị trường chứng khoán.

 

Khi các ngân hàng lớn và quan trọng tại châu Âu như Ngân hàng Fortis của Bỉ đang trên bờ vực phá sản ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng tài chính, Chính phủ các nước đã phải can thiệp bằng cách cho các ngân hàng vay rất nhiều khoản tiền để vượt qua khó khăn.

 

Theo Plasschaert, Ngân hàng Trung ương châu Âu có một vai trò rất quan trọng trong việc cứu nguy cho nền kinh tế châu Âu khỏi diễn biến xấu hơn. “Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt cũng vào cuộc và đã làm rất tốt”, Plasschaert cho biết.

 

Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng, rất khó để châu Âu đưa ra các quyết định giúp đỡ các ngân hàng đang gặp khó khăn tại các nước thành viên bởi có tới 27 thành viên trong Liên minh châu Âu. “Thật không may là, với tình trạng khủng hoảng tài chính hiện nay ở châu Âu, ngay cả Ủy ban châu Âu cũng không có khả năng đó để thúc đẩy nền kinh tế châu Âu. Thật luôn luôn khó khăn khi phải đưa ra quyết định”, ông nói. 

 

Nhưng ông cũng chỉ ra một số dấu hiệu tích cực của nền kinh tế châu Âu và cho rằng, rõ ràng một sự tiến triển theo chiều hướng tốt đang từ từ xuất hiện. “Chúng ta có thể cảm nhận được điều này dù một số nhà kinh tế khác vẫn chưa tin tưởng do tỉ lệ thất nghiệp cao”, ông nói.

 

Plasschaert cho rằng, nền kinh tế châu Âu chưa thể phục hồi vào cuối năm nay. “Còn quá sớm để khẳng định. Thậm chí một số người còn tin rằng, tình hình kinh tế sẽ còn xấu hơn hiện nay”, ông nói.

 

 

Trả lời câu hỏi về cuộc sống hằng ngày của người dân châu Âu có bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hay không, Plasschaert cho biết, điều này không ảnh hưởng nhiều vì người dân vẫn đi nghỉ hay tiếp tục các công việc thường ngày của họ. Nhưng cuộc suy thoái cũng tác động đến một số lĩnh vực trong cuộc sống vì châu Âu, đặc biệt là Bỉ có nhiều người nhập cư đến từ châu Phi rất cần được quan tâm.

 

Giáo sư Plasschaert giảng dạy về kinh tế Trung Quốc tại Leuven đã hơn 30 năm, từng là nhà kinh tế tài chính tại trụ sở của Ngân hàng Thế giới ở Washington và một ngân hàng thương mại ở Bỉ.

 

 

Báo Văn Hóa Online

 

Tệp đính kèm