Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả Bộ Tài chính - Vũ Đình Ánh khẳng định khó xảy ra chuyện tăng giá đột biến trong những tháng còn lại của năm. Nhiều khả năng lạm phát của Việt Nam chỉ dừng lại ở con số 7%.
Việc chỉ số CPI tăng chậm lại trong 3 tháng liên tiếp vừa qua nói lên điều gì, thưa ông?
Diễn biến từ đầu năm đến nay cho thấy, giá cả đang quay lại quy luật của những năm trước, chẳng hạn như năm 2007. Giá các tháng 6,7 và 8 liên tục tăng chậm lại do nhiều yếu tố tác động khách quan và chủ quan. Tôi cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế gặ khó khăn như hiện nay mà giá cả quay về quy luật cũ là trường hợp tương đối đặc biệt. Điều này cho thấy một số chính sách kích cầu tiêu dùng, giãn giảm thuế đã phát huy tác dụng đáng kể.
|
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh |
Nếu cứ theo quy luật cũ thì sang tháng 9, chỉ số CPI sẽ tiếp tục tăng chậm lại so với tháng 8 - nghĩa là mức tăng sẽ thấp hơn 0,24%. Ba tháng còn lại của năm trùng vào các thời điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, giá cả có thể sẽ tăng mạnh nhưng cũng rất khó vượt qua ngưỡng trên 1%.
Tôi cho rằng, diễn biến giá như hiện nay là điều đáng mừng cho phép chúng ta thở phào yên tâm. Tính đến tháng 8, CPI mới tăng 3,47%. Như vậy, 4 tháng còn lại của năm dù giá cả hàng hóa có tăng đột biến đi chăng nữa thì lạm phát vẫn có thể đạt được con số 7%.
Nhưng trước đó, nhiều người lo ngại lạm phát sẽ tăng cao trở lại do những tác động từ chương trình kích cầu, nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ?
Năm nay, Việt Nam tăng trưởng dương và có thể đạt mức cố gắng 5%. Tôi cho rằng, các biện pháp Chính phủ áp dụng trong thời gian qua như sử dụng chính sách tài khóa nới lòng, giảm và giãn thuế để kích cầu tiêu dùng... đã phát huy tác dụng đáng kể. Về nguyên tắc, việc sử dụng chính sách tài khóa nới lỏng- tức là tăng chi ngân sách - có thể đẩy lạm phát lên cao. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta chưa có một số liệu nào cho thấy điều đó, nên chưa thể đánh giá.
Còn đối với việc kích cầu tiêu dùng bằng việc giãn giảm các loại thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân... cũng chưa thấy xuất hiện những dấu hiệu nào đáng lo. Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, hiện chúng ta đã giải ngân được 15.000 tỷ đồng trong tổng gói kích cầu, trong đó thuế là 2.800 tỷ đồng. Chính sách này về cơ bản là hợp lý không đẩy lạm phát lên cao mà khuyến khích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất.
Tính từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vào khoảng 20%, con số này là đẹp. Trước đó Ngân hàng Nhà nước lo ngại lạm phát nên đưa về mức 25-27% nhưng vừa rồi lại đưa lên 30%. Nếu so sánh với các năm trước, mức tín dụng như vậy tương đối cao so với bình quân, khoảng 25%. Nhưng trong bối cảnh kích cầu đưa lên 30% cũng không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng giá. Tôi cho rằng nếu khống chế được tín dụng ở mức 30% thì tác dụng của chính sách nới lỏng tiền tệ hay thắt chặt tín dụng tới mặt bằng giá là không lớn.
Có ý kiến cho rằng những đợt điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp vừa qua có thể khiến thị trường thiết lập mặt bằng giá mới, tạo sức ép tới lạm phát?
Thông thường mỗi lần điều chỉnh giá xăng đầu, một số nhóm mặt hàng khác lại có cớ "té nước theo mưa". Nhưng tôi cho rằng, tăng giá xăng là điều tất yếu xảy ra khi hế giới tăng cao và ở trong nước CPI đang tăng chậm lại. Đây được coi là điều kiện tốt để đưa ra phương án tăng giá xăng. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã 7 lần điều chỉnh với mức tăng 4,27% cũng là một con số đáng phải lưu tâm.
Nhưng tác động từ các đợt điều chỉnh sẽ không ngay tức thì mà sẽ kéo sang năm sau. Chẳng hạn từ nay đến cuối năm nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, cộng thêm lộ trình tăng giá điện vào tháng 3/2010 thì tác động của nó tới chỉ số CPI sẽ kéo sang năm 2010 chứ không phải ngay trong năm nay. Tôi cho rằng, lần tăng giá này tác động không lớn đến chỉ số giá và CPI của cả năm có thể duy trì ở mức 7%.
Lần nào điều chỉnh giá xăng cũng được giải thích là do giá thế giới tăng cao, doanh nghiệp đang lỗ, ông nghĩ gì về điều này?
Đúng là lỗ lãi của doanh nghiệp xăng dầu đã trở thành câu chuyện "khổ lắm biết rồi nói mãi". Lỗ hay không, và có thực sự lỗ như doanh nghiệp xăng dầu kêu ca không... chỉ có thể biết được thông qua cơ quan thuế và kết quả kiểm toán. Điều căn bản là, có vẻ như thời gian qua chúng ta "quá dễ dãi" với doanh nghiệp trong việc điều chỉnh giá bán. Doanh nghiệp kêu, Nhà nước cho điều chỉnh, còn người tiêu dùng thì luôn là đối tượng chịu thiệt hơn cả vì giá tăng thì họ vẫn không thể dừng việc đi lại, tiêu dùng được.
Tôi cho rằng ngay cả bảng so sánh xăng mà cơ quan quản lý đưa ra mỗi lần tăng giá bán cũng chưa hợp lý. So sánh như vậy là khập khiễng bởi điều kiện mỗi nước khác nhau, nguồn thu, chi phí và thu nhập của người tiêu dùng...
Có ý kiến cho rằng, tiếng là chính sách kích cầu tiêu dùng, nhưng thực tế là chúng ta mới kích cung chứ chưa thực sự là kích cầu, ông nghĩ sao về điều này?
Đúng vậy, thời gian qua, các chính sách giãn, giảm thuế của chúng ta mới nhằm vào mục đích khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn hàng hóa để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự thật thì ngược lại một số mặt hàng nguồn cung vẫn thiếu, giá vẫn cao nhu cầu vẫn nhiều.
Chẳng hạn như ôtô, ở các nước người ta áp dụng các biện pháp như đổi xe cũ lấy xe mới, hỗ trợ tiền, lãi suất cho người dân mua ôtô. Ở Việt Nam thì ngược lại, dân xếp hàng mua xe, hợp đồng nợ đến tận năm 2010 mà 11 liên doanh sản xuất vẫn không đáp ứng được. Điều này cho thấy mô hình kinh tế của Việt Nam vận động không giống một nước nào trên thế giới, do vậy, cần phải có những liều thuốc hợp lý. Giải pháp như thế nào chưa thể nói cụ thể, song cần có sự nghiên cứu sâu từ các bộ ngành có liên quan...
Theo Vnxpress