Trong tuần qua, "cơn sốt" giá vàng lại bùng phát. Giá vàng trên thị trường thế giới vượt mốc 1.000 USD/oz, giá vàng trong nước lập tức "leo" lên mức kỷ lục (hơn 22 triệu đồng/lượng).
Trong 3 ngày cuối tuần, giá vàng có buổi dịu đi đôi chút, nhưng rồi lại trồi lên khá mạnh. Cơn sốt vàng vào thời điểm này là khá bất ngờ, bởi vậy nó đã thu hút đặc biệt sự quan tâm của nhà đầu tư và cả giới phân tích.
Vì sao vàng lên "cơn sốt"?
Theo số liệu của Hãng tin tài chính Bloomberg, giá vàng thế giới lập kỷ lục lần đầu: 1.033,9 USD/oz vào ngày 17-3-2008, đến đầu năm 2009, giá vàng vượt mốc 1.000 USD/oz (vào ngày 20-2). Lúc đó, việc vàng tăng giá là dễ hiểu, vì năm 2008 thế giới bắt đầu bước vào cuộc khủng hoảng tài chính với sức phá hủy khó lường và quý I-2009 được ghi nhận là điểm đỉnh của cuộc khủng hoảng. Vàng được coi là nơi trú ngụ an toàn của dòng vốn. Còn bây giờ, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã "chạm đáy", kinh tế thế giới đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm", hàng loạt nền kinh tế phát triển và mới nổi đã đạt tăng trưởng dương trong quý III năm nay; vậy vì cớ gì mà vàng lại lên "cơn sốt"?
Nếu như với lần giá vàng tăng mạnh trước đây chỉ có một lý do đơn giản là suy thoái kinh tế hoành hành, thì với lần này khi kinh tế thế giới đã có dấu hiệu hồi phục khá rõ ràng, thị trường chứng khoán bứt phá ấn tượng; giải thích hiện tượng giá vàng tăng mạnh được các nhà phân tích tài chính đề cập đến nhiều nguyên nhân cả tích cực và ngược lại: Vàng cũng là một loại hàng hóa. Khi kinh tế hồi phục, nhu cầu dùng vàng để làm đồ trang sức, làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp như điện tử tăng, nên giá vàng tăng, bằng chứng là giá vàng tăng không làm suy giảm dòng tiền đổ vào chứng khoán. "Đường đi của vàng hiện nay phản ánh những cải thiện trong các yếu tố cơ bản của nền kinh tế toàn cầu, lần tăng giá này của vàng không phải là điều gì xấu", ông Larry Adam, chiến lược gia trưởng mảng đầu tư thuộc Quỹ Deutsche Bank Private Wealth Management đã nhận định như vậy.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, vàng tăng giá lần này là một dấu hiệu cảnh báo sớm về việc những nỗ lực chống suy thoái của Chính phủ Mỹ đến lúc nào đó sẽ gây ra những tác dụng phụ tiêu cực. Người ta lo hàng nghìn tỷ USD mà Chính phủ Mỹ chi ra để bảo đảm sự an toàn cho hệ thống tài chính và kích thích tăng trưởng có thể dẫn tới những mức thâm hụt khổng lồ và lạm phát gia tăng.
Tác động từ đồng USD
Một hướng phân tích khác: Vàng luôn là "sát thủ" giấu mặt của "đồng bạc xanh", giá vàng lên thì đồng USD mất giá. Tuy có thời gian đồng USD lên giá (quý IV-2008), nhưng cả thập niên vừa qua, xu thế chung của USD là giảm giá. Địa vị đồng USD - đồng tiền thanh toán toàn cầu - đang bị thách thức. Một hệ thống tài chính với trật tự tiền tệ thế giới mới đã trở thành nhu cầu bức xúc của nhiều nền kinh tế đang lên.
Trong một báo cáo của Hội nghị Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) gần đây đã nêu vấn đề một cách trực diện rằng, hệ thống tiền tệ và các luật lệ về tư bản đang ràng buộc nền kinh tế toàn cầu đã không còn phù hợp với tình hình thực tế và để xuất thay thế đồng USD bằng một loại tiền tệ khác. Quả là phi lý khi đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (đồng yên của Nhật Bản) hiện đang đứng sau đồng bảng Anh, còn đồng nhân dân tệ của nền kinh tế lớn thứ 3 là Trung Quốc, lại đang chìm khuất trong “rổ” tiền tệ toàn cầu. Sức mạnh của các đồng tiền đều liên quan đến vàng. Không hề ngẫu nhiên khi Trung Quốc trong thời gian qua đã tận dụng cơ hội từ cuộc khủng hoảng, không những mua vét nguyên liệu giá rẻ của thế giới, mà còn tăng lượng dự trữ vàng mạnh mẽ từ 454 tấn lên 1.054 tấn, đưa nước này lên vị trí thứ 5 thế giới về lượng vàng dự trữ.
Cơn sốt vàng lần này hàm chứa quá nhiều nguyên nhân thường tình và sâu xa như vậy, nên giá vàng trong tương lai vẫn là một ẩn số lớn, kinh doanh vàng vào thời điểm này mặc nhiên nhà đầu tư phải chấp nhận độ rủi ro rất cao.
Theo HNM Online