Cập nhật: 17/09/2009 23:22:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để hàng Việt Nam thực sự có chỗ đứng trên thị trường, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay hơn đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Hàng giả, hàng nhái tràn lan

 

Xây dựng một thương hiệu, để nhiều người biết đến và tin tưởng dùng sản phẩm của mình đã là cả một quá trình gian nan đối với doanh nghiệp. Nhưng với nạn hàng giả hàng nhái tràn lan như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng công sức bao năm của họ đang có nguy cơ "đổ xuống sông xuống biển". Ví như ăn theo nhãn mác của hàng may mặc Việt Tiến, đâu đó vẫn có nhãn mác như Việt Tuấn, Việt Tín. Chính những sự nhập nhằng này rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Trong hội chợ Tháng khuyến mãi diễn ra mới đây tại TP HCM có một quầy trưng bày thu hút được sự tò mò của rất đông người, đó là gian trưng bày hàng thật và hàng giả của Sở Công Thương thành phố. Mọi người đều phải giật mình, thán phục vì công nghệ "nhái" quá tinh vi của nhiều mặt hàng, từ mỹ phẩm, hàng thực phẩm... đến mũ bảo hiểm. Tóm lại, cái gì cũng có thể làm giả, làm nhái được. Giám đốc một doanh nghiệp cho biết, hiện nay các quy định về xử phạt hàng giả, hàng nhái thì rất nhiều nhưng chế tài còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhiều doanh nghiệp vi phạm bị phạt, nhưng nộp phạt xong lại vẫn tiếp tục làm vì lợi nhuận bất chính thu được cao hơn nhiều so với mức phạt. "Không cần lập hàng rào bảo hộ hàng trong nước, nhưng doanh nghiệp cần có một hành lang pháp lý để có thể cạnh tranh lành mạnh. Để có hành lang pháp lý ấy, nhà nước phải đề ra và quản lý chặt chẽ các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa. Những hành vi vi phạm về chất lượng, về cạnh tranh cần phải bị trừng trị đích đáng", vị giám đốc này nhấn mạnh.

 

Đại diện của Công ty Lụa Toàn Thịnh cho rằng, tuy không cần hàng rào bảo hộ thị trường nhưng vẫn nên có rào cản kỹ thuật với hàng nhập khẩu để hàng kém chất lượng không thể tràn vào như hiện nay. ông này cho rằng một trong những cách giúp đỡ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này chính là nhà nước phải quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, không để hàng ngoại không đủ tiêu chuẩn lấn sân hàng nội và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Văn bản... chồng chéo nhau

 

Ông Nguyễn Hồng Bảo - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội cho biết, rất khó để triệt được tận gốc nạn hàng giả. Nguyên nhân chính là do sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, trình độ cán bộ thực thi còn yếu... Theo ông, vấn đề nổi cộm trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, một phần thuộc về năng lực cán bộ quản lý thị trường (QLTT), bộc lộ nhiều hạn chế về cả chuyên môn và công nghệ kỹ thuật hiện đại. Vẫn còn tình trạng cán bộ QLTT không hiểu biết rõ về vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa nói đến các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao như hệ thống mạng, chíp, linh kiện máy tính. Hiện nay, ngoài công tác chống hàng giả, lực lượng QLTT còn phải thực hiện các công tác khác như chống buôn lậu, phối hợp kiểm tra phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm... Vì vậy, lực lượng chống hàng giả, hàng nhái đã thiếu lại càng thiếu. Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực QLTT, ông Bảo cho biết, chưa bao giờ thấy hệ thống văn bản pháp quy, quy định về việc kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái nhiều như hiện nay. Nhưng nhiều văn bản chồng chéo nhau, mỗi ngành thực hiện một cách riêng. Chế tài xử phạt có nhiều nội dung vi phạm quá cao hoặc quá thấp so với thực tế kiểm tra. Chính vì vậy, đã có những vụ việc sau khi kiểm tra, thu giữ hàng hoá, không thể xử lý theo quy định hoặc khiếu kiện giữa các bên kéo dài nhiều tháng.

 

Theo ông Bảo thì cuộc chiến chống hàng giả không phải của riêng một ngành nào cả, tất cả các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ với nhau, trong đó có cả vai trò của DN sản xuất và người tiêu dùng.

 

 

 

Theo Đời Sống Pháp Luật

Tệp đính kèm