Bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn cho ngành điện quản lý để bán điện trực tiếp đến hộ dân là một chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Nhận thức ý nghĩa to lớn của chủ trương này, Công ty Ðiện lực 1 đã tập trung chỉ đạo các Ðiện lực, phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thực hiện và đã thu được những kết quả bước đầu. Nhiều hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đang được hưởng lợi từ việc làm này.
Một đặc điểm chung ở các địa phương miền bắc là phần lớn lưới điện hạ thế (LÐHT) đã xây dựng cách đây hàng chục năm. Do chỗ hệ thống dây dẫn không được quan tâm đầu tư, manh mún, công-tơ điện mua trôi nổi trên thị trường không bảo đảm chất lượng và không được kiểm định định kỳ theo quy định của Nhà nước, tổn thất điện năng trên lưới điện nông thôn rất cao, bình quân từ 25 đến 40%. Chất lượng điện áp ở nhiều nơi rất thấp, vào các giờ cao điểm thậm chí chỉ đạt từ 70 đến 110 V làm cho nhiều thiết bị điện không sử dụng được, hoặc hay bị cháy hỏng do điện áp tăng, giảm đột ngột...
Ở khu vực nông thôn phía bắc vẫn đang tồn tại nhiều mô hình quản lý kinh doanh điện, đó là: Ngành điện bán lẻ điện trực tiếp đến tận hộ dân và các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; công ty tư nhân mua buôn tại công-tơ tổng-trạm biến áp rồi bán lẻ tới các hộ dân. Cá biệt, còn có địa phương bán điện qua 1-2 cấp trung gian hay có tổ điện đứng ra ký hợp đồng kinh doanh bán điện cho các hộ trong thôn xóm, nên giá bán lẻ điện đến tay hộ dân nông thôn lại bị "đội" thêm một lần nữa, có nơi tới 1.500 đồng/kWgiờ, vượt hơn gấp đôi so với giá trần Chính phủ quy định là 700 đồng/kWgiờ.
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện của nhân dân ở nông thôn tăng mạnh trong khi nguồn vốn của địa phương dành cho cải tạo, nâng cấp, phát triển LÐHT có hạn, cộng với khả năng quản lý, trình độ kỹ thuật yếu nên nguy cơ mất an toàn trong sử dụng điện luôn ở mức báo động khá phổ biến. Trên thực tế, hầu hết các hộ dân đều muốn bàn giao LÐHT cho ngành điện quản lý, nhưng do một số nơi chính quyền địa phương có quyền lợi và thu nhập từ kinh doanh điện nên chậm trễ và băn khoăn trong khi bàn giao.
Nhờ làm tốt công tác phối hợp với chính quyền các địa phương, đến nay, việc tiếp nhận và bàn giao LÐHT đã có những kết quả nhất định. Tính đến hết tháng 8, toàn công ty đã tiếp nhận được 1.351 xã với 16.950 km đường dây hạ áp, 1.249.727 công-tơ một pha, 31.866 công-tơ ba pha (giá trị tài sản còn lại là 374 tỷ đồng) và thực hiện bán điện đến từng hộ dân tại 2.339 xã. Ngay sau khi tiếp nhận, ngành điện tiến hành ngay việc sửa chữa nhỏ lưới điện, thay thế các công-tơ bị kẹt, bị cháy. Có phương án quản lý kinh doanh sau tiếp nhận, nhất là quản lý đo đếm để giảm tổn thất điện năng. Tổn thất điện năng ở các xã trong Thái Bình đã giảm từ 32% xuống 22% (bình quân là 15%). Tổn thất điện bình quân các xã ở Hưng Yên trước khi tiếp nhận có nơi lên đến 40-45% nhưng nay chỉ còn từ 25 đến 27%. Tổn thất chung khu vực nông thôn khi ngành điện quản lý giảm xuống còn khoảng 17%.
Nhờ những việc làm tích cực nêu trên, các hộ dân nông thôn được ngành điện tiếp nhận LÐHT không còn phải đóng tiền sửa chữa lưới điện, không phải "gánh" những phát sinh do thất thoát điện năng và nhất là được trả tiền theo quy định của Chính phủ và được cung cấp điện an toàn, chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, việc bàn giao điện nông thôn đến nay vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là đối với các hợp tác xã (HTX) kinh doanh điện. Ðối với các HTX không bỏ vốn đầu tư nâng cấp lưới điện, bán điện giá cao và chưa đủ điều kiện theo các tiêu chí quy định của Bộ Công thương thì việc bàn giao đơn giản. Với các HTX đã bỏ vốn đầu tư, nâng cấp lưới điện, đang hoạt động ổn định, hiệu quả, đủ điều kiện theo quy định nảy sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, khi bàn giao, các HTX chưa được hoàn trả phần vốn đã huy động để đầu tư vào hệ thống lưới điện, những tổ chức làm dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh điện bị mất quyền lợi vì họ đang hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá. Bên cạnh đó, hiện tại, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn đều có quá nhiều lao động (gấp 4-5 lần định biên của ngành điện), do đó việc tiếp nhận nhân lực từ các tổ chức này hết sức khó khăn, nhất là hầu hết số lao động này lại chưa đáp ứng được chuyên môn, nghiệp vụ.
MẶC dù còn không ít khó khăn trong việc tiếp nhận LÐHT, nhưng Công ty Ðiện lực 1 vẫn đề ra mục tiêu, phấn đấu trong những tháng còn lại của năm 2009, tiếp nhận thêm 649 xã, để đến tháng 6-2010 hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận LÐHT mà Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã giao cho.
Theo NhanDan Online