Cập nhật: 06/10/2009 22:11:09 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có thể thấy rõ đây là một trong những giải pháp khả thi mà chúng ta đang hướng tới và những tín hiệu khả quan của nền kinh tế nước ta sau 9 tháng đầu năm nay đang chứng minh cho hướng đi này.

Với cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị đề ra, thị trường nội địa đang được nhắm tới là mục tiêu trọng điểm của các doanh nghiệp. Thực tế, thời gian qua cũng chứng minh sức tiêu thụ nội địa đã và đang trở thành động lực của nền kinh tế.

 

Những tín hiệu khả quan

 

Việc thoát đáy (trong quý I) đã được khẳng định và nền kinh tế đang có những tín hiệu phục hồi tích cực được thể hiện trên nhiều mặt. Một số chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá và nhanh, duy trì tháng sau cao so với tháng trước, quý sau cao hơn so với quý trước.

 

Cụ thể: nếu quý I, GDP chỉ tăng 3,14% thì quý II tăng 4,46%, quý III tăng 5,76%.

 

Trong tốc độ tăng trưởng GDP chung, nhóm ngành nông lâm nghiệp – thủy sản tăng 1,57%. Tốc độ tăng của giá trị sản xuất công nghiệp cao lên qua các tháng: quý I chỉ tăng 2,1%, 4 tháng tăng 3,3%, 5 tháng tăng 4%, 6 tháng tăng 4,8%, 7 tháng tăng 5,1%, 8 tháng tăng 5,6%, 9 tháng tăng 6,5% trong đó tháng 8 tăng 10,6%, tháng 9 tăng 13,8%.

 

Ngành xây dựng năm trước bị sụt giảm nhưng năm nay đã tăng khá nên đã góp phần kéo tốc độ tăng giá trị tăng thêm của nhóm ngành này trong 9 tháng lên 4,48% - cao hơn tốc độ tăng của quý I và 6 tháng.

 

Nhóm ngành dịch vụ mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng 9 tháng đã tăng 5,91%.

 

Giải ngân ODA trong 9 tháng đạt 1715 triệu USD bằng 90% kế hoạch cả năm. Khả năng cả năm có thể tiến tới mốc 3 tỷ USD và vượt xa so với kế hoạch, tăng cao so với năm trước.

 

Về nguồn vốn FDI, sau 9 tháng đăng ký mới giảm mạnh, nhưng đăng ký bổ sung đạt khá và tăng 7%; số giải ngân đã đạt 7,2 tỷ USD và khả năng cả năm sẽ đạt 10 tỷ USD bằng 72% kế hoạch cả năm và khả năng cả năm sẽ đạt 10 tỷ USD như kế hoạch đặt ra.

 

Trong điều kiện nguồn vốn nước ngoài bị sụt giảm nhưng vốn trong nước tăng khá, không những bù lại mà còn góp phần đưa tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với GDP cả năm có thể đạt 42,2%, cao hơn tỷ lệ 41,3% của năm trước.

 

Một điểm đặc biệt đáng lưu ý là tiêu thụ trong nước tiếp tục tăng với tốc độ cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng 18,6% nếu loại trừ yếu tố tăng giá đã tăng 10,2%. Đây là tốc đọ tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng của cả năm trước (6,5%). Tiêu thụ trong nước đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc tập trung khai thác tốt hơn thị trường trong nước, tìm đầu ra cho sản xuất hàng hóa nội địa đang là yêu cầu cấp bách, cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.

 

Giá tiêu dùng sau 9 tháng tăng 4,11% và bình quân 9 tháng tăng 7,64%.

 

Thách thức lớn nhất là xuất khẩu, nhập khẩu và nhập siêu. Xuất khẩu 9 tháng ước đạt 41,76 tỷ USD giảm 14,3%. Khó khăn lớn vẫn là thị trường giá cả, thanh toán, hàng rào kỹ thuật của các nước. Điều này có thể sẽ phần nào ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của nền kinh tế.

 

Những điểm sáng…

 

Trong “bức tranh” chung ấy, người ta thấy sáng lên một số doanh nghiệp, đơn vị với kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh hiệu quả, tạo lượng công việc ổn định cho nhiều lao động có thu nhập khá, thậm chí thu nhập cao.

 

Đơn cử như Công ty cổ phần đầu tư phát triển đa quốc gia (IDI), Đồng Tháp – với sự góp mặt của các cổ đông nước ngoài: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và Trung Quốc… - chuyên ngành đầu tư và kinh doanh bất động sản, hiện đang là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn tại TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, An Giang và Đồng Tháp với tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Riêng tại Đồng Tháp, Tổ hợp nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu do công ty đầu tư đã có vốn đầu tư hơn 1200 tỷ đồng tại Khu công nghiệp đa năng Vàm Cống. Hay như một cụm nhà máy thủy sản ở ngã ba sông Hậu ngay phà Vàm Cống – ngay từ thời điểm khó khăn nhất - vẫn luôn thu hút gần 2000 lao động có việc làm thường xuyên với mức lương bình quân hơn 3.000.000 đồng/người/tháng. Trong khi hầu hết các nhà máy thủy sản gặp không ít khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu thì Công ty IDI vẫn luôn có một lượng khách hàng ổn định, các đơn hàng thường được ký trước 6 đến 9 tháng mới có hàng, các đồng nghiệp trong Hiệp hội thủy sản thường nói vui rằng IDI là anh lính mới đáng nể trong làng xuất khẩu thủy sản, nhất là khi cuối tháng 3/2009, Công ty IDI đã được đứng thứ 9 trong tốp 10 Công ty có sản lượng thủy sản xuất khẩu cao nhất cả nước.

 

Còn phải kể đến công ty chuyên sản xuất giấy và bao bì Thiên Trí (TP HCM). Công ty này đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm cắt giảm tối đa chi phí. Chẳng hạn, lắp bộ tiết kiệm điện năng (power boss) giúp hạn chế 10% điện năng tiêu thụ (tiết kiệm được hơn 50 triệu đồng một năm); lắp biến tần cho động cơ bơm hút chân không, tiết kiệm được khoảng 25% điện năng (gần 15 triệu đồng/năm); lắp đặt hệ thống thu hồi nước ngưng cho dây chuyền máy xeo giấy, tiết kiệm được khoảng 25% lượng than tiêu thụ một năm (gần 350 triệu đồng); không vận hành máy nghiền vào giờ cao điểm, giảm chi phí điện gần 1 tỷ đồng mỗi năm… Điều này khiến cho doanh nghiệp tiết kiệm được từ 10% đến 20% chi phí sản xuất. Hiện, nhà máy hoạt động gần hết công suất để cung ứng hàng cho thị trường.

 

Hay như Công ty Thực phẩm Thiên An (TP HCM) dù từ giữa năm 2007 đến nay, giá lợn hơi và các loại nguyên liệu phục vụ chế biến thịt lợn sạch tăng cao khiến cho nhiều ý kiến đã bàn đến việc tạm ngừng, hoặc thu hẹp sản suất chờ qua thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, Ban giám đốc Công ty đã quyết tâm cao. Để vượt qua khó khăn này, doanh nghiệp đã chủ động tìm nguồn hàng mới từ Bắc Mỹ có chất lượng tương đương, nhưng giá thành cạnh tranh hơn. Thiên An cũng điều chỉnh linh hoạt chính sách về giá, hậu mãi, chiết khấu cho các đại lý. Những kế hoạch dài hơi được doanh nghiệp vạch ra trước đó được thay bằng kế hoạch ngắn hạn, phù hợp với từng giai đoạn, trong bối cảnh nền kinh tế luôn biến động trong năm nay nhằm hướng tới sự ổn định và lợi nhuận trong sản xuất – kinh doanh.

 

Được biết, các doanh nghiệp hội viên Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) đang xây dựng kế hoạch liên kết bằng các hoạt động cụ thể trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, tại hội chợ Vietbuild 2009 diễn ra từ ngày 9 tới 13-9 vừa qua tại TPHCM, Hawa đã liên kết 7 doanh nghiệp hội viên xây dựng gian hàng chung thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Đó là Công ty Nguyễn Thanh, Đức Lợi 2, Scansia Pacific, Hố Nai, Minh Phát 2, Mỹ thuật Gia Long, OSEVEN. Sự liên kết này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí sản xuất, in ấn, quảng bá thương hiệu, đồng thời còn tạo nên chuỗi giá trị gia tăng giúp người tiêu dùng trong nước sở hữu được không gian nội thất đồng bộ về kiểu dáng, màu sắc, từ tủ, giường, bàn ghế đến chăn ra gối nệm, ván lót sàn... với mức giá vừa phải, thay vì phải đi đến nhiều nơi để mua từng món hàng lẻ. Thực tế, thị trường đồ gỗ tại Việt Nam có tiềm năng lớn do đời sống người dân ngày càng được nâng cao, sức tiêu thụ các mặt hàng gỗ gia dụng, trang trí nội thất đang gia tăng; lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa là chất lượng sản phẩm, năng lực và kinh nghiệm chinh phục các thị trường quốc tế khó tính nhất mà họ đã từng chinh phục nhiều năm qua.

 

9 tháng đầu năm dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng tích cực. Tiếp tục thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra, đặc biệt với việc đang triển khai mạnh mẽ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị đề ra, chúng ta tin tưởng vào sự phát triển ổn định hơn của nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2009 sau khi vượt qua suy thoái, khắc phục khủng hoảng.

 

  

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Tệp đính kèm