Cập nhật: 15/10/2009 22:00:59 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giá cả thế giới đang tăng trở lại bởi nhiều nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục. Trong nước, tổng phương tiện thanh toán đã tăng liên tục kể từ đầu năm và ở mức tương đương thời điểm cuối năm 2007 - thời điểm trước khi xảy ra lạm phát cao. Cả hai yếu tố này đang tạo ra sự cộng hưởng làm cho lạm phát gia tăng.

Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,62%, dự kiến giá cả tháng 10 sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, Cục trưởng (CT) Cục quản lý giái cả, Bộ tài chính Nguyễn Tiến Thỏa nhận định: sẽ không có những đột biến về giá ở thời điểm cuối năm - thời điểm được coi là nhạy cảm.

 

PV: Khả năng lạm phát cao quay trở lại đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo. Liệu diễn biến này có dẫn đến đột biến nào về giá trong thời gian tới không, thưa Cục trưởng?

 

CT NGUYỄN TIẾN THỎA: Từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều nhân tố tác động đến mặt bằng giá cả thế giới và trong nước. Nhưng qua đánh giá và dự báo chung, những đột biến và sốt giá ở những tháng cuối năm là khó xảy ra. Bởi, nền kinh tế thế giới đã có những tín hiệu tốt, nhưng tăng trưởng vẫn “mong manh”, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng nguyên vật liệu chưa cao như mức bình thường. Mới đây, Trung Quốc – công xưởng lớn của thế giới - đã ngừng chiến dịch mua dự trữ nguyên liệu thô để sản xuất hàng hóa, góp phần giảm sức ép về giá đối với các loại nguyên vật liệu. Trong khi đó, giá dầu ảnh hưởng đến rất nhiều nền kinh tế được dự báo ở khoảng 70USD/thùng từ nay đến cuối năm, nên sẽ ảnh hưởãng không nhiều đến việc đẩy giá tiêu dùng lên cao. Ở trong nước, thuận lợi là các biện pháp kích thích kinh tế vẫn đang được thực hiện, như: hỗ trợ lãi suất 4%; giãn, giảm, miễn thuế đối với nhiều mặt hàng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Nhiều địa phương cũng có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn về vốn để chuẩn bị đủ lượng hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhân dân trong dịp Tết cổ truyền; yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết bán hàng thấp hơn mặt bằng giá thị trường 10%. Rất nhiều doanh nghiệp đang được các địa phương khuyến khích mở chương trình khuyến mại giảm giá... Với những biện pháp và tác động thực tiễn này, hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ không có đột biến về giá ở thị trường trong nước, phấn đấu giữ chỉ số giá tiêu dùng cả năm ở 7%.

 

PV: Mức lạm phát 7% cả năm không phải là mục tiêu dễ đạt. Chỉ số giá tiêu dùng đó còn cần có những tác động vĩ mô hơn?

 

CT NGUYỄN TIẾN THỎA: Thứ nhất, cuối năm là thời điểm khá nhạy cảm do nhu cầu thanh toán tăng cao; các cơ quan, ban ngành, các tổ chức tài chính, ngân hàng nỗ lực thực hiện giải ngân để hoàn thành chương trình kích cầu; đây cũng là thời điểm mà mức chi tiêu của các tầng lớp dân cư tăng cao... Do đó, cần nỗ lực không để mất cân đối cung - cầu ở những tháng cuối năm. Thứ hai, cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình kích thích kinh tế để các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tập trung vào sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước trong những tháng cuối năm. Thứ ba, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, bảo đảm không vượt quá 30% của cả năm, giữ ổn định tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng VNĐ, đồng thời giữ ổn định lãi suất cơ bản của đồng VNĐ, điều này sẽ góp phần kiềm chế sự gia tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chi ngân sách, cần giữ không vượt quá mức 7% như mục tiêu Quốc hội đã đề ra nhằm tránh gây thêm áp lực đối với mặt bằng giá. Thứ 4, từ nay đến cuối năm, giữ ổn định giá một số vật tư cơ bản, như: điện, cước vận tải, bưu chính viễn thông; duy trì một số mặt hàng được Nhà nước trợ giá, trợ cước vận chuyển lên các vùng miền khó khăn, vùng núi... sẽ tạo điều kiện giữ vững mặt bằng giá, tránh những tác động gây sốc. Tất nhiên, về cơ bản, các loại hàng hóa vẫn sẽ tuân theo các nguyên tắc thị trường. Thứ năm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành kỳ luật Nhà nước về giá… để tránh tình trạng lợi dụng nhu cầu tăng đẩy giá lên bất hợp lý.

 

Các cơ quan quản lý sẵn sàng có biện pháp can thiệp nhất định khi tình hình có biến động, như: biến động về tỷ giá ngoại tệ.... Tuy nhiên, tình hình sẽ không có gì đáng lo ngại vì hầu hết các địa phương đều có sự chuẩn bị tốt về hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Thậm chí, nhiều mặt hàng còn có trữ lượng vượt trội so với mức cầu trong nước, điều này càng tạo điều kiện cho việc bình ổn giá ở thị trường trong nước.

 

PV: Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào biến động giá cả thế giới như nước ta thì có lẽ cũng cần cảnh giác với những diễn biến bất ngờ của giá cả thị trường thế giới, thưa Cục trưởng?

 

CT NGUYỄN TIẾN THỎA: Mục tiêu lạm phát 7% cả năm là có thể thể đạt được, và với những biện pháp được triển khai sẽ không có đột biến nào về giá. Tất nhiên, cũng không nên mất cảnh giác, lạm phát có thể quay lại trong trung hạn, tức là sang năm 2010 do độ trễ của việc nới lỏng chính sách tài chính tiền tệ trong năm 2009. Nhưng với tinh thần điều hành tài chính tiền tệ không nới lỏng như năm 2009, những giải pháp sẽ linh hoạt hơn, phù hợp hơn với tình hình mới của kinh tế trong và ngoài nước. Thực tế là độ trễ của chính sách tài chính tiền tệ đã được lường trước để có biện pháp xử lý. Và dự báo, năm 2010, nếu kịch bản của các bộ, ngành đưa ra được thực hiện tốt thì lạm phát sẽ giữ được ở mức thấp hơn 10%.

 

PV: Xin cám ơn Cục trưởng!

 

 

Theo Người đại biểu Nhân Dân

 

 

Tệp đính kèm