Cập nhật: 17/10/2009 17:35:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa phối hợp với PG Bank đưa vào vận hành thẻ Flexicard với nhiều ứng dụng khá tiện lợi.

Được biết, Flexicard là loại thẻ tích hợp đồng thời 2 tính năng để khách hàng có thể lựa chọn sử dụng là trả trước (prepaid card) để mua xăng dầu và tính năng ghi nợ (debit card) để thực hiện các giao dịch gửi tiền mặt, rút tiền mặt, chuyển khoản và thanh toán các hàng hoá dịch vụ (trong đó, đã có cả tính năng mua xăng dầu).

 

Giải thích trước quyết định đưa loại thẻ này ra thị trường, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, phương tiện thanh toán hiện đại này sẽ giúp hạn chế lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường, tạo điều kiện quản lý kinh tế vĩ mô tốt hơn.

 

Nhìn khía cạnh khác, khi cung cấp Flexicard, PG Bank muốn có thêm nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, còn Petrolimex giữ vững được thị phần trên thị trường nội địa. Điều này dễ được lý giải bởi khi khách hàng sử dụng Flexicard cho việc mua xăng dầu, thì họ sẽ được tham gia vào các chương trình khuyến mại, ghi điểm để có thể mua xăng dầu với giá thấp hơn.

 

Cùng với đó, khách hàng được hưởng thêm những tiện ích như có thể rút tiền ngay tại cây xăng và tốc độ thanh toán nhanh hơn nhiều so với sử dụng tiền mặt như cách truyền thống... Đây là kế hoạch khá rõ ràng của Petrolimex cho thấy tham vọng giữ thị phần của doanh nghiệp (DN) này trên thị trường xăng dầu nội địa.

 

Từ năm 2007, khi xăng dầu được vận hành theo cơ chế thị trường, hiện tượng các DN đầu mối khác nhau, với trình độ quản lý khác nhau, cơ sở vật chất khác nhau... nhưng lại có cùng một mức giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường nội địa đặt ra khá nhiều câu hỏi cho người tiêu dùng. Chính việc các DN có cùng một mức giá bán lẻ xăng dầu gây ra tâm lý nghi ngại rằng, cạnh tranh trên thị trường xăng dầu chỉ là hình thức.

 

Khách hàng mua xăng của Petrolimex sẽ thuận tiện hơn?

 

Khi Petrolimex dành hơn 1 năm chuẩn bị để tung ra thị trường loại thẻ Flexicard nói trên, có dấu hiệu cho thấy, sẽ xuất hiện yếu tố cạnh tranh mạnh hơn giữa các DN xăng dầu.

 

Thứ nhất, việc giảm giá bán sản phẩm xăng dầu cho những khách hàng lớn và thường xuyên là chính sách mà Petrolimex áp dụng sẽ giúp cho DN này giữ chân được những khách hàng lớn và lôi kéo thêm được các DN đang sử dụng sản phẩm của DN xăng dầu khác.

 

Điều này rất dễ xảy ra, bởi nếu như các DN xăng dầu khác không điều chỉnh chính sách liên quan tới giá, chăm sóc khách hàng, thì với mức chiết khấu theo điểm tích lũy mà Petrolimex dành cho khách hàng thường xuyên của mình, việc giảm giá xăng dầu là điều chắc chắn các khách hàng sẽ được hưởng. Khách hàng sử dụng sản phẩm nhiều hơn sẽ tác động tới doanh số của Petrolimex và giúp cho DN này khẳng định được vị thế trên thị trường.

 

Thứ hai, áp lực mà Petrolimex tạo ra với các DN kinh doanh xăng dầu khác là không hề nhỏ, bởi bên cạnh việc kinh doanh bán lẻ, các DN trông đợi nhiều từ việc cung cấp cho các khách hàng lớn. Nếu vẫn giữ mức giá được công bố đồng loạt trên thị trường xăng dầu như hiện nay, thì nhiều khả năng các DN sẽ mất khách hàng lớn. Đây chính là động lực có thể khiến các DN kinh doanh xăng dầu điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, trong đó có kế hoạch về giá bán, nhằm tăng sức cạnh tranh với Petrolimex.

 

Thứ ba, thông qua cuộc cạnh tranh quyết liệt diễn ra trong thời gian tới, có thể thấy, đây là cơ hội để các DN lớn sẽ bứt lên và DN nhỏ có thể bị ảnh hưởng tới thị phần (vốn đã rất nhỏ).

 

Nếu như Petrolimex thực hiện tốt chương trình chăm sóc khách hàng của mình (như đã thông báo), các DN nhỏ sẽ phải tìm cách để đối chọi lại và đây có thể là cơ sở dẫn tới việc liên kết giữa các DN nhỏ như khuyến cáo của các chuyên gia trong ngành.

 

Nếu điều này xảy ra thì thực sự sẽ rất lý tưởng cho thị trường xăng dầu Việt Nam, bởi nó sẽ giúp các DN tích tụ vốn và đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng cùng công nghệ phục vụ kinh doanh. Tất nhiên, đây mới chỉ là “kịch bản” được dựng từ một hướng nhìn. Trên thực tế, cho đến thời điểm này, các DN (tất cả đều là DN nhà nước) còn khá nhỏ bé nên ít có điều kiện đầu tư cho kho  bãi và hệ thống hạ tầng.

 

Trước mắt, nếu như việc triển khai thẻ Flexicard của Petrolimex diễn ra đúng với kế hoạch của DN này, thì người tiêu dùng có thể tiên đoán về sự phân hoá giữa các DN thị trên trường xăng dầu nội địa.

Chưa biết Flexicard sẽ mang lại cho Petrolimex và thị trường xăng dầu trong thời gian tới những gì, nhưng người tiêu dùng đã có cảm giác mình được tôn trọng hơn từ DN xăng dầu. Đây là một bước tiến lớn trong lĩnh vực kinh doanh đầy “nhạy cảm” này.

 

 

Báo Giáo dục & Thời đại

Tệp đính kèm