Cập nhật: 18/10/2009 17:51:36 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" theo Thông báo kết luận Số 264-TB/T.Ư, ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị, Mới đây, Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã trang trọng tổ chức Lễ phát động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam và chương trình "Ðồng hành cùng doanh nghiệp dệt - may Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc".

Cuộc vận động là một chủ trương lớn của Ðảng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước với mục đích ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Cuộc vận động có ý nghĩa cơ bản, lâu dài nhằm phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực và tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chúng ta không hy sinh quyền lợi của người tiêu dùng, không buộc người tiêu dùng trong nước mua hàng hóa sản xuất nội địa với chất lượng thấp, giá cao.

 

Về quan hệ quốc tế, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cuộc vận động này không phải chủ trương bảo hộ mậu dịch mà là một phong trào của nhân dân (không phải là quyết định của cơ quan hành chính nhà nước), chỉ khuyến khích, định hướng tiêu dùng của nhân dân, bảo vệ người tiêu dùng trong nước không trái với quy định của WTO. Ðể cụ thể hóa các nội dung của cuộc vận động, Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo, kèm theo một chương trình hành động cụ thể. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị thuộc Khối cùng cam kết đi đầu, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với các nội dung sau:

 

Các cấp ủy đảng các doanh nghiệp trong Khối lãnh đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Xây dựng ý thức tự giác, gương mẫu trong văn hóa sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng hàng Việt Nam bằng tình yêu đất nước của mỗi tổ chức, cá nhân trong đơn vị. Các đơn vị thuộc Khối, trước hết là các đơn vị sử dụng kinh phí từ nguồn tài chính công cần ưu tiên mua sắm hàng hóa nội địa trong xây dựng cơ bản, các trang thiết bị, phương tiện đi lại, đồ dùng văn phòng và các khoản chi tiêu khác. Trong quá trình sản xuất cần ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên vật liệu trong nước. Từng doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin liên quan đến những sản phẩm, dịch vụ của mình, xây dựng hệ thống nghiên cứu thông tin thị trường làm cơ sở cho hoạch định chiến lược kinh doanh. Chú trọng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ theo nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhận thức rõ vai trò của thị trường nội địa có tiềm năng lớn triệt để khai thác phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng; thực hiện chương trình giới thiệu và quảng cáo, khuyến mại sản phẩm minh bạch; bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng thời với việc cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp nhu cầu, bảo vệ môi trường, thị hiếu và văn hóa người tiêu dùng theo phân khúc thị trường. Hình thành mạng lưới phân phối khoa học, văn minh; lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ. Phát triển các quan hệ liên doanh, liên kết, sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đơn vị thuộc Khối trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, phân phối hàng hóa. Liên kết trong từng ngành hàng, từng sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo thị trường rộng lớn, bền vững hơn. Thực hiện chương trình tiếp thị phục vụ tiêu dùng tại khu vực nông thôn để người tiêu dùng khu vực này được tiếp cận hàng hóa có chất lượng, phù hợp với văn hóa, thu nhập của người dân; mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm diện rộng. Các ngân hàng thương mại nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Ðặc biệt là các doanh nghiệp mua và chế biến hàng nông - lâm - thủy sản, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên, nhiên vật liệu trong nước. Xây dựng chiến lược nghiên cứu khoa học, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong phát triển sản phẩm mới; tranh thủ thời cơ để tái cơ cấu doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Lựa chọn, sản xuất những mặt hàng những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, giá cả cạnh tranh đáp ứng thị trường trong nước; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, dịch vụ để thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại. Nghiên cứu đề xuất những cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với những dự án lớn, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích cho doanh nghiệp triển khai đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển mạng lưới bán lẻ đặc biệt ở vùng khó khăn.

 

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị thuộc Khối phải nỗ lực trong xây dựng và giữ vững thương hiệu hàng hóa, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Ðồng thời, Nhà nước cần tạo môi trường pháp lý thông thoáng, kịp thời giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu ban hành các chính sách thuế chống bán phá giá, hạn chế hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng bằng hàng rào kỹ thuật. Các cơ quan chức năng cần tăng cường chống buôn lậu hàng hóa qua biên giới, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng giả, kém chất lượng, hàng độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

 

Với các biện pháp đồng bộ nêu trên, tin tưởng rằng, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong cả nước nói chung và trong các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị thuộc Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ đạt được những kết quả thiết thực, góp phần tăng cường sức cạnh tranh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế, góp sức đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

 

 

Theo NhanDan Online

Tệp đính kèm