Cập nhật: 30/11/2009 17:25:54 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba trả lời phóng viên Báo Lao Động trước thềm Hội nghị Các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sẽ diễn ra từ ngày 5-6.12 tại Hà Nội.

"VN không còn là ưu tiên nhận viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản (NB), do GDP đầu người đã ở mức 1.000USD. Chính phủ NB muốn dành ngân sách ODA này cho những khu vực nghèo hơn như Afghanistan và Châu Phi" - Đại sứ NB tại VN Mitsuo Sakaba cho biết.

 

- Xin được hỏi về các đánh giá về ODA sẽ được ông nêu ra tại Hội nghị Các nhà tài trợ cho VN (CG) lần này?

 

- Tôi sẽ tập trung vào ba điểm chính. Thứ nhất, NB sẽ nỗ lực dành viện trợ vốn vay ODA cho VN theo tinh thần cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng NB tại Tokyo hồi đầu tháng 11. Tôi sẽ đề cập vụ PCI, theo nghĩa tích cực hơn. NB và VN đã thống nhất về các biện pháp minh bạch hoá tiến trình thực hiện ODA, tránh tái lặp vụ PCI. Song, điều quan trọng là cần làm như thế nào để thực hiện tốt các biện pháp đã thoả thuận. ến nay, mọi việc đang diễn biến thuận lợi, nhưng hai bên vẫn cần theo dõi chặt chẽ.

 

Điều thứ ba là điều hành kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế VN đã có dấu hiệu phục hồi khỏi suy thoái, nhưng đang đối mặt với nguy cơ lạm pháp trở lại, sự mất giá của đồng VN, cán cân thanh toán mất cân bằng. Ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ quan trọng với VN, mà với cả các nhà đầu tư NB. Đó là lý do tôi nhấn mạnh đến điều này.

 

- Quan ngại lớn nhất của NB về tiến trình thực hiện ODA là gì?

 

- Khó khăn lớn nhất là tốc độ thực hiện dự án ODA quá chậm. Ví dụ như ban đầu dự kiến là 3 năm, nhưng thường kéo dài 5 năm. Khi đó, tư vấn phải ở lại và họ yêu cầu được trả tiền cho hai năm phát sinh. Ai sẽ trả số tiền này? Đây là vấn đề rất đau đầu.

 

Có nhiều lý do cho sự chậm trễ như tốc độ trì trệ trong giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính kéo dài của các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Các nhà thầu định kỳ phải có báo cáo về tiến trình, kế hoạch sắp tới để chờ phê chuẩn của VN mới tiếp tục làm. Giai đoạn chờ đợi ngày càng lâu hơn. Đôi khi, VN yêu cầu có thay đổi và các nhà thầu phải đánh giá lại, làm lại báo cáo và lại chờ phê chuẩn. Rồi chi tiêu cho nguyên vật liệu bị đội lên, nhập khẩu nguyên liệu cũng tăng buộc chúng tôi dự toán lại và cũng mất thời gian. Những quan ngại trên chúng tôi đều trao đổi thường xuyên với VN và biết VN rất kinh nghiệm.

 

- Như vậy, đây đều là những vấn đề rất cũ nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, thưa ông?

 

- Chúng tôi đã có giải pháp và đang cố gắng thực hiện. Chẳng hạn như NB mong giảm thời gian giải phóng mặt bằng và đã có tiến triển chút ít. Để giải quyết không phải là dễ.

 

- Trong nửa năm tài khoá đầu 2009, NB rót lượng vốn ODA kỷ lục 1,3 tỉ USD cho VN. Theo nguồn tin từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lượng vốn cam kết cho nửa năm tài khoá sau có thể tương đương số vốn kỷ lục trên. Ông nói sao về điều này?

 

- Nếu tính theo dương lịch, thực chất năm 2009 có 3 lần ký dự án ODA. Như vậy, NB đã viện trợ tổng cộng 2,1 tỉ USD trong năm 2009. Nhưng nếu tính theo năm tài khoá của NB, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 3 năm sau, con số chưa xác định vì còn một gói viện trợ sẽ công bố vào tháng 12. Tôi chưa thể nói về gói viện trợ đó, vì bản thân cũng chưa biết. Các dự án được duyệt sẽ tiếp tục tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng mà VN đang rất cần và các dự án môi trường.

 

- Đại sứ từng cho biết sẽ thúc đẩy ODA không hoàn lại cho VN, nhưng Hạ viện NB mới tuyên bố sẽ cắt 1/3 ngân sách cho vốn ODA này. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến VN?

 

- Chính quyền mới của NB đúng là đã có đề nghị trên, nhưng việc thực hiện sẽ là từ tháng 4 năm tới nên hiện nay chưa ảnh hưởng gì. Năm 2009, tổng ngân sách ODA không hoàn lại cho VN là 70 triệu USD, đây là con số không nhỏ chút nào.

 

- Theo chính sách mới, năm tới, NB sẽ tăng vốn vay ODA cho VN trong lúc giảm ODA không hoàn lại?

 

- Đúng vậy.

 

- Xin cảm ơn Đại sứ!

 

 

Theo Lao động Online

Tệp đính kèm