Cập nhật: 28/04/2010 16:32:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong vòng 1 năm, từ con số 13, đến nay đã có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình “Hàng Việt về nông thôn”.

 

Không dừng lại ở phong trào, chương trình còn là hoạt động giúp các doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm trong điều tra thị trường, thiết lập kênh phân phối và cũng là cách tạo nhận biết nhãn hiệu Việt cho người tiêu dùng nông thôn. Đây là một trong những nội dung chính đã được thảo luận tại diễn đàn kinh doanh “Thách thức Kinh tế Việt Nam 2010 và sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam” do Hiệp hội doanh nghiệp trẻ TP.HCM tổ chức.        

 

Theo một thống kê gần đây cho thấy, hiện chỉ có 10 đến 15 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thành công tại thị trường nông thôn, đại đa số trong đó là các công ty đa quốc gia. Để có được điều này, họ phải có chất lượng hàng ổn định, giá bán phải chăng, luôn có sự giám sát, chăm sóc, hỗ trợ thương mại tốt và đặc biệt là có mạng lưới rộng khắp, điều này đồng nghĩa với chi phí đầu tư không ít. Với ngân sách tài chính hạn hẹp, các chuyến hàng về nông thôn sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt liên kết tập trung tiếp thị.

 

Ông Cao TiếnVị, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn cho biết: “Đoàn bán hàng nông thôn họ đi nhiều vùng nông thôn, nhiều điểm khác nhau, và nếu không có chương trình này thì rất khó để tiếp cận và nếu làm đơn lẻ chi phí rất cao, làm tập thể có điểm lợi, cũng là để kiểm chứng xem vùng đó chúng tôi đang bán hàng thế nào, phân phối thế nào và nhận định hàng thế nào”.

 

Đặc tính tiêu dùng ở thị trường nông thôn là người tiêu dùng quen xài hàng giá rẻ, chấp nhận một cách thản nhiên hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, qua 34 phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại 15 tỉnh thành trong cả nước cho thấy, người tiêu dùng nông thôn có nhu cầu tiêu dùng hàng Việt và sẵn sàng ủng hộ chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt. Do vậy, cần có kênh phân phối tốt và sản phẩm có giá phù hợp. Đây là việc của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng rất cần sự tiếp sức từ cơ quan chức năng.

 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao: “Những thông tin nghiên cứu về thị trường nông thôn, huấn luyện đội ngũ bán hàng, kết nối những nhà quản lý ở địa phương với các nhà cung ứng hàng, các nhà sản xuất ở đô thị, kể cả sự ủng hộ của lực lượng truyền thông… thì chắc chăn DN sẽ thànhcông”.

 

Đeo bám, bền bỉ là cụm từ mà nhiều chuyên gia đã bàn thảo khi nói về việc đến với thị trường nông thôn của các doanh nghiệp Việt Nam. Gọi là bán hàng về nông thôn, nhưng doanh số sẽ không phải là mối quan tâm chính của doanh nghiệp, mà tập trung tiếp thị là chính và từng bước xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm.

 

 

Theo vtv.vn

Tệp đính kèm