Cập nhật: 31/08/2010 16:37:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo chỉ số của Tổng cục Thống kê vừa công bố, kinh tế nước ta 8 tháng đầu năm đã có những tăng trưởng rất đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn từ nội tại nền kinh tế cho tới những tác động khó lường từ bên ngoài 

 Nhìn vào bức tranh kinh tế 8 tháng của năm 2010 chúng ta thấy được những điểm sáng chủ đạo,  có thể khái quát thành ba điều đáng mừng, đó là:

 

Điều mừng thứ nhất: Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI của tháng 8 ở mức 0,23%, được kiềm chế ở mức tăng thấp sau 2 tháng điều chỉnh giảm. Đây là chỉ số quan trọng, thường để đo mức độ lạm phát.  CPI 8 tháng so với thời điểm cuối năm 2009 hiện tăng ở mức 5,08%. Như vậy đến thời điểm này có thể khẳng định mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 dưới 2 con số là hoàn toàn hiện thực.

 

Điều mừng thứ hai: Tăng trưởng sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng gần 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy mức độ hồi phục đáng kể của nền kinh tế. Sản xuất tăng tốc có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP.

 

Điều mừng thứ ba: Vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá. Biểu hiện qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh sau năm 2009 đầy khó khăn, báo hiệu niềm tin vào môi trường đầu tư và cơ hội kinh doanh trong nước tăng đáng kể. 8 tháng của năm 2010 đã có thêm 59.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia thị trường, với số vốn đăng ký hơn 370.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2009. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sau thời kỳ suy giảm đã tăng trở lại, với lượng vốn FDI đăng ký đến tháng 8 này đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng gần gấp 1,5 lần so với cùng giai đoạn này của năm 2009.

 

Mừng là vậy, nhưng phần lo dường như vẫn nhiều hơn. Bốn nỗi lo chính của nền kinh tế có thể kể ra đây:

 

Nỗi lo đầu tiên: Giá cả tiêu dùng được kiềm chế, nhưng cũng còn nhiều yếu tố dễ gây biến động, nếu không có sự nhanh tay can thiệp, đúng mức đúng tầm của các ngành chức năng. Như chuyện giá gạo tăng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long vài tuần qua do những tin đồn không căn cứ. Nhìn lại vài tháng trước là chuyện tăng giá té nước theo mưa, tăng theo những đợt tăng giá xăng dầu. Còn tại thời điểm này, nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá ăn theo đợt điều chỉnh tỷ giá giữa Việt Nam đồng và USD của Ngân hàng Nhà nước, cho dù các mặt hàng đã được nhập về trước thời điểm điều chỉnh tỷ giá, hay có những dịch vụ chẳng liên quan gì đến yếu tố tỷ giá, như du lịch chẳng hạn, do căn bệnh đô-la hóa của nền kinh tế đã khá trầm trọng, đến mức ngay giá buồng phòng khách sạn và tour du lịch cũng  được quy ra đồng USD. Rồi việc nền kinh tế của chúng ta có độ mở cao, rất dễ bị tác động bởi hiện tượng “bình thông nhau” khi giá cả thị trường thế giới biến động.

 

Nỗi lo thứ hai: Hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp Nhà nước, thuộc khu vực kinh tế Nhà nước- được xác định là yếu tố chủ đạo của nền kinh tế - lại chưa được cải thiện. So với tốc độ tăng chung của sản xuất công nghiệp cả nước, thì các doanh nghiệp Nhà nước đạt tốc độ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch. Nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tiếp tục được sử dụng kém hiệu quả.

 

Nỗi lo thứ ba: Mặt bằng lãi suất, được coi là giá vốn vẫn còn ở mức khá cao, cho dù Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực nhất định trong việc điều hành lãi suất, nhưng các quyết định vẫn mang nặng tính hành chính, chứ chưa thực sự sát với diễn biến, thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại. Tăng trưởng tín dụng 8 tháng ở mức thấp, mà hệ lụy là doanh nghiệp khó tiếp cận vốn với lãi suất chịu được để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một nguyên nhân góp phần làm tồn kho của ngành công nghiệp hiện đang ở mức rất cao, tồn kho ở thời điểm 1/8 tăng tới 37% so với cùng kỳ năm 2009. Như vậy giá vốn cao đang là trở lực lớn cho phát triển sản xuất.

 

Nỗi lo thứ tư: Nhập siêu ở mức đáng báo động. 8 tháng của năm nay, nhập siêu trên 8 tỷ USD, gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2009. Câu chuyện càng xuất khẩu nhiều- chúng ta càng phải nhập khẩu lắm, cùng căn bệnh sính ngoại vẫn tồn tại từ cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, cho tới tâm lý tiêu dùng của người dân khiến cho nhập siêu càng trở nên khó giải quyết. Với sự phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài, nhập siêu càng lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát càng cao.

 

Nhìn lại bức tranh kinh tế 8 tháng, chúng ta thấy được những điều mừng để phát huy hiệu quả những giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, cũng như nhận diện được những mối lo để tìm ra giải pháp căn cơ, chữa trị một loạt căn bệnh kinh niên của nền kinh tế, thực hiện mục tiêu quan trọng là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô đã được Quốc hội đề ra./.

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm