Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong năm nay, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 800.000 tỷ đồng, bằng 41,37% GDP, tăng 12,9% so với năm 2009.
Trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều đang trong xu hướng giải ngân cao.
Tính theo kế hoạch năm, mức giải ngân các nguồn vốn này sau 8 tháng đầu năm đều ở mức trên dưới 70%. Riêng với vốn FDI, 7,25 tỷ USD cũng là một con số rất đáng khích lệ. Nhưng để nền kinh tế có được tốc độ tăng trưởng tốt trong năm nay, có lẽ, cần huy động tổng lực hơn nữa cho mục tiêu đầu tư phát triển.
Là một nước với mô hình tăng trưởng dựa khá nhiều vào đầu tư, việc huy động được một nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Bởi tăng đầu tư phát triển cũng có nghĩa là sẽ tăng thêm năng lực cho sản xuất, tạo nền tảng cho tăng trưởng.
Nhiều năm qua, việc huy động vốn cho đầu tư phát triển đã và luôn ở mức cao. Điều này một mặt cho thấy nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương trong huy động nguồn lực để đầu tư phát triển; một mặt cũng thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư, các đối tác vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.
Trong điều kiện kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn sau những tác động của khủng hoảng, việc huy động vốn đầu tư phát triển năm sau luôn cao hơn năm trước rõ ràng là điều rất đáng mừng.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc giải ngân các nguồn vốn này luôn gặp những lực cản, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hạn chế về năng lực thi công, do những quy định hành chính rườm rà, thiếu nhất quán từ Trung ương tới địa phương... Trên thực tế, đây chính là những vấn đề gần như là muôn thuở. Dù đã được cải thiện nhiều, song khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế luôn là điều khiến dư luận băn khoăn.
Bởi vậy, tạo và thu hút tối đa các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển nền kinh tế chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Để có thể huy động và sử dụng tổng lực nguồn vốn này cho nền kinh tế, cần phải rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật đối với đầu tư và sử dụng vốn của tất cả các thành phần kinh tế. Việc đơn giản hoá thủ tục hành chính cho đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục được thực hiện.
Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án, chủ động điều chuyển vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2010-2011... là một chuyện. Ngoài ra, phải có biện pháp để nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các đồng vốn này, thậm chí phải kiên quyết đình hoãn, cắt giảm đầu tư các công trình chưa cần thiết, kém hiệu quả.
Với tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,8%, còn vốn đầu tư phát triển bằng 41,37% GDP, thì hệ số ICOR (tính theo cách đơn giản nhất) của năm nay vào khoảng 6,08. Tuy không bằng các năm trước, nhưng đó vẫn là một con số khá cao. Và điều này, thêm một lần nữa cảnh báo về việc tiếp tục phải nâng cao hiệu quả đầu tư công. Chỉ có như vậy, việc huy động tổng lực cho đầu tư phát triển kinh tế mới thực sự có ý nghĩa.
Theo GD&TĐ Online