Chiều 20/10, Quốc hội họp phiên toàn thể đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng cơ cấu thu NSNN đã có sự chuyển biến tích cực
Quốc hội cũng nghe các báo cáo về Chương trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015; Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015 và báo cáo của các Ủy ban thẩm tra nội dung trên.
Đánh giá chung về tình hình thu NSNN năm 2011, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cơ cấu thu NSNN đã có sự chuyển biến tích cực.
Về số thu ngân sách Trung ương năm 2011, Chính phủ ước tăng 54.000 tỷ đồng. Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ xây dựng phương án sử dụng số tiền này hàng năm theo nguyên tắc ưu tiên giảm bội chi, tăng trả nợ, tăng dự trữ tài chính, bố trí thưởng vượt thu hợp lý cho các địa phương, còn lại mới dành cho nhiệm vụ chi khác, trong đó có việc cải cách tiền lương.
Về chi cho cải cách tiền lương trong năm 2012, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đồng ý với Chính phủ việc tăng lương tối thiểu lên mức 1,050 triệu đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%. Tuy nhiên Chính phủ cần tách bạch công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trong quá trình thẩm tra việc thực hiện NSNN năm 2011, Chính phủ đã tiếp thu và điều chỉnh ước thu NSNN năm 2011 từ 669.500 tỷ đồng lên 674.500 tỷ đồng (tăng 5.000 tỷ đồng).
Theo ông Phùng Quốc Hiển, vẫn có thể khai thác nguồn thu từ đất đai, kinh doanh bất động sản, từ khai thác tài nguyên khoáng sản, tăng cường quản lý thu thuế và truy thu nợ đọng.
Về cân đối xuất nhập khẩu, số thu XNK có thể tăng hơn so với dự toán (dự kiến là tăng 3,8%) do mức nhập siêu năm 2011 có thể cao hơn Chính phủ dự kiến (10,5%), việc tiếp tục chống gian lận thương mại, chống thất thu trong XNK cũng sẽ làm tăng thu trong XNK.
Báo cáo về Chương trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày cho thấy việc đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã thực hiện đúng các mục tiêu được Quốc hội đề ra, đã bổ sung một lượng vốn lớn (giai đoạn 2003-2011 là trên 236,7 nghìn tỷ đồng) cho đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội quan trọng của đất nước, cũng như ở các vùng miền núi, biên giới và các vùng khó khăn khác. Để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cân đối ngân sách và nợ công, Chính phủ trình Quốc hội dự kiến huy động trong 5 năm 2011-2015 là 225 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia, tổng kinh phí huy động thực hiện 12 Chương trình giai đoạn 2006-2010 là trên 65,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,08% tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn này. Các Chương trình này đã góp phần trực tiếp vào việc hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch 7/23 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010; đưa Việt Nam hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ…
Thẩm tra nội dung sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Ủy ban Tài chính, ngân sách nhất trí chỉ bố trí vốn trái phiếu cho cả giai đoạn 2011-2015 tối đa là 225 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Việc bố trí ở mức này là hợp lý vì hiện nay nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, các cân đối vĩ mô còn bất ổn, tình hình nợ công ngày một tăng cao, việc huy động, phát hành trái phiếu Chính phủ ngày càng khó khăn. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án đã có khối lượng hoàn thành trên 70% tổng mức đầu tư tính đến ngày 30/9/2011 và khả năng đưa vào sử dụng trong năm 2011-2012; các dự án đã khởi công thuộc lĩnh vực thủy lợi miền núi, thủy lợi đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, an toàn hồ chứa, kè biên giới…
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010, Ủy ban Tài chính, ngân sách nhận thấy các chương trình đã góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện sự ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia; huy động đóng góp của xã hội nhằm góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục; bảo vệ sức khỏe người dân; hỗ trợ tích cực cho các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội.
Theo Minh Duy/GD & TĐ Online