Cập nhật: 07/08/2012 16:35:50 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2012 - một năm đầy khó khăn, thách thức không chỉ với Việt Nam mà với cả nền kinh tế toàn cầu. Nhằm giúp nền kinh tế nước nhà nói chung, các doanh nghiệp nói riêng vượt qua cơn khốn khó do ảnh hưởng của lạm phát và suy giảm phát triển kinh tế, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách và biện pháp điều hành kịp thời, đồng bộ, có tác động sâu rộng và lâu dài.

Ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012.

 

Tiếp theo đó ngày 10/5/2012 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và trình Quốc hội để Quốc hội ban hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

 

Không chỉ là quyết tâm*

 

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành với quyết tâm thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế thông qua ba lĩnh vực rường cột ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, đó là: tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ.

 

Các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng chính là tâm nguyện, hy vọng của doanh nghiệp, doanh nhân và của nhân dân. Nhưng nghị quyết và quyết tâm của Chính phủ không thì chưa đủ để nền kinh tế có bước chuyển đổi mà phải đưa nghị quyết, quyết tâm vào đời sống thực tế, phải có tính khả thi cao và đặc biệt phải có sự đồng lòng, cộng hưởng của đối tượng thực hiện nghị quyết - đối tượng quản lý - Nhà nước.

 

Ví dụ: Về tái cơ cấu đầu tư, một trong những nội dung cơ bản của tái cơ cấu đầu tư là đổi mới tư duy về đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải... và thực tế  buộc phải cắt giảm danh mục các dự án, công trình thi công mới, rà soát, cho tạm ngừng một số dự án công trình thi công dở dang. Nhưng cắt giảm cái gì, ở đâu và tiết kiệm hay lãng phí lại là vấn đề lớn. Nếu thực hiện không tốt, không đúng với nghị quyết của Chính phủ thì đôi lúc lại mang hậu quả ngược với nghị quyết.

 

Cuối tháng 7 vừa rồi, tôi có dịp đi thăm lại tỉnh Lai Châu sau 8 năm kể từ ngày chia tách tỉnh. Chặng đường bộ từ Sapa đến Lai Châu được mở rộng, làm mới. Tuy nhiên, công trình chỉ mới lát đá chưa kịp rải nhựa thì phải tạm dừng vì cắt giảm vốn. Những cơn mưa xối xả vừa làm sạt lở đường, vừa cuốn trôi xuống vực sâu một lượng khá lớn đá dăm vừa rải. Nhìn con suối gặp lũ cuốn theo đất đã cát sỏi của con đường dang dở mà thấy xót xa, bao công sức chở đá, làm đường... đã mất mát, tổn thất vì dừng thi công. Những công trình dở dang như vậy chắc không hiếm gặp trong giai đoạn này.

 

Nghị quyết và quyết tâm của Chính phủ không thì chưa đủ để nền kinh tế có bước chuyển đổi mà phải đưa nghị quyết, quyết tâm vào đời sống thực tế, phải có tính khả thi cao và đặc biệt phải có sự đồng lòng, cộng hưởng của đối tượng thực hiện nghị quyết - đối tượng quản lý - Nhà nước

 

Cần phân loại, đánh giá nợ đọng để xử lý bình đẳng gói hỗ trợ doanh nghiệp*

 

Chính phủ đã và đang tập trung quyết liệt để giảm chi phí lãi vay ngân hàng nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm qua. Thực tế đã chứng minh những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ đã có hiệu quả. Lãi suất  huy động và lãi suất cho vay ngân hàng có chiều hướng giảm rõ rệt. Nhưng việc hạ lãi suất không thể tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay “giá rẻ” mà phải có thời gian để các ngân hàng thương mại bù đắp nguồn vốn huy động “giá cao” thời gian trước.

 

Riêng gói giải pháp về thuế của Quốc hội, Chính phủ có tác động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp rõ ràng hơn, mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp ngay.

 

Khác với gói giải pháp các năm trước, chủ yếu xử lý thuế trực thu, năm nay ngoài việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), gia hạn nộp thuế TNDN, miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN)... Chính phủ còn cho gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT).

 

Đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên, doanh nghiệp được giảm tiền thuê đất và gia hạn nộp tiền sử dụng đất. Bằng gói hỗ trợ này, khoản tiền thuế lẽ ra Chính phủ được sử dụng giải quyết chi cho các nhu cầu thiết yếu đã được dùng cho doanh nghiệp chiếm dụng vốn tạm thời phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp đã phản ứng tương đối tích cực đối với gói giải pháp này của Chính phủ.

 

Tuy nhiên việc gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế TNDN chỉ áp dụng đối với số thuế TNDN phải nộp của năm 2010 trở về trước mà đến ngày 10/5/2012 doanh nghiệp chưa nộp vào NSNN; số thuế TNDN phải nộp của năm 2011 mà doanh nghiệp chưa nộp NSNN của một số đối tượng và việc gia hạn tối đa 12 tháng tiền sử dụng đất đối với các tổ chức kinh tế là các chủ đầu tư dự án chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền sử dụng đất đến ngày 10/5/2012 thì theo thông báo của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền mà không được phân loại nợ.

Thực trạng nêu trên khiến chưa công bằng trong thực thi và có thể gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp có ý thức tuân thủ thời hạn nộp thuế. Bởi lẽ, các doanh nghiệp dù khó khăn nhưng tìm nguồn vốn, vay ngân hàng để nộp thuế, đến thời điểm  nộp thuế là ngày 10/5/2012 không còn nợ thuế thì không được gia hạn. Các doanh nghiệp còn nợ thuế (có thể có cả doanh nghiệp chây ỳ) thì lại được gia hạn. Vì vậy, nếu thực hiện phân loại, đánh giá nợ đọng để xử lý bình đẳng giữa các doanh nghiệp thì gói giải pháp sẽ có hiệu quả cao hơn.

 

Bản thân doanh nghiệp cũng phải nỗ lực*

 

Không chỉ chú trọng đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp mà Chính phủ còn chú trọng đến  khoản tiền thuế của các cá nhân kinh doanh, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 miễn thuế khoán (thuế GTGT, thuế TNCN ) và thuế TNDN năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân và miễn thuế TNCN từ ngày 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần.

 

Việc miễn thuế TNCN sẽ tạo điều kiện cho cá nhân dành phần tiền thuế được miễn để chi tiêu cho cá nhân, tác động đến kích cầu.

 

Gần đây, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để Chính phủ trình ra Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN sửa đổi, trong đó có nội dung nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng và áp dụng từ ngày 1/7/2013. Đây cũng là một tín hiệu mừng cho người nộp thuế và thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với nhân dân.

 

Năm 2012 đã qua quá nửa chặng đường, để nghị quyết của Chính phủ đi vào cuộc sống và Chính phủ thành công trong việc “chèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam vượt đại dương”, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm lợi ích quốc gia, đáp ứng niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân cả nước. Cũng chính từ đó, các doanh nghiệp, doanh nhân và bản thân mỗi người dân đều phải tự khẳng định, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng các giải pháp của Chính phủ và tự tìm kiếm các giải pháp riêng của mình nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm...

 

Làm được như vậy, tin rằng các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ vượt qua gian khó, ổn định và tiếp tục phát triển.

 

Nguyễn Thị Cúc

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam

 Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm