Theo nghiên cứu những nét lớn kinh tế Việt Nam năm 2012 của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ KHĐT) vừa công bố thì tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước năm qua chưa có nhiều đột phá, tăng trưởng vẫn ở mức thấp do tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn...Vì vậy, năm 2013 đòi hỏi nền kinh tế cả nước cần phải có nỗ lực hơn để bứt phá.
Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I và II/2012 đạt mức thấp (so với thực hiện cùng kỳ các năm trước đó) nhưng sau đó đã tăng hơn vào quý III và quý IV (5,4 và 6,5%). Nhờ vào nỗ lực tăng trưởng hai cuối quý cuối năm mà tăng trưởng cả năm không giảm sâu về tốc độ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 vẫn giảm năm thứ 2 liên tiếp, xuống mức 5,2%. Tính từ khoảng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng chỉ cao hơn năm 1999 và 2009, là hai năm nền kinh tế phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới do tác động các cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á (1997) và toàn cầu (2008).
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển nhờ một số động lực chính là vốn, lao động, chi tiêu, tiêu dùng, tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng... Nhưng mấy năm gần đây, đặc biệt là năm 2012, các động lực này sa sút đáng kể. Cụ thể, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 giảm, ước tính chỉ đạt 870.000 tỷ đồng, bằng 99,1% năm 2011.
Có ý kiến còn đưa ra cảnh báo năm 2012 sẽ là năm có tỷ trọng vốn/GDP thấp kỷ lục (29,5%), thấp nhất kể từ năm 1995 trở lại đây. Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư phần nào được cải thiện, tăng trưởng GDP vào vốn giảm hơn. Tuy vậy, hiệu quả đầu tư sẽ được cải thiện hơn nữa nếu với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP tương tự nhưng đem lại mức tăng trưởng cao hơn như trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam 1995-1996, tỷ trọng vốn/GDP cũng thấp chỉ khoảng trên dưới 30% nhưng tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn này lại đạt mức 9,5-9,6%.
Trước con số được đưa ra, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn nhận định, năm 2013 hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”
Cụ thể, theo TS. Nguyễn Đức Kiên: Năm 2012, Quốc hội đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Nhìn lại nền kinh tế gần 12 tháng qua, có thể thấy, tỷ giá ổn định, bội chi ngân sách, nợ công, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mục tiêu; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu vượt mục tiêu đặt ra. Với kết quả đó, có thể khẳng định, Chính phủ đã thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, theo nhiều dự báo, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 này khó có thể vượt 1%, nên CPI năm nay khó vượt mức 8% (11 tháng đầu năm mới tăng 6,52%). Như vậy, cũng có thể nói, Chính phủ hoàn thành mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, lý do mà mục tiêu duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý nhưng chưa đạt được theo TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng: do chúng ta còn nhiều dư địa để có thể GDP tăng trưởng cao hơn. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai việc phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước, thẩm định dự án đầu tư ngay từ đầu năm, thì tăng trưởng GDP năm 2012 có khả năng cao hơn mức 5,2%.
Vì vậy, rút kinh nghiệm năm 2012 và những năm trước đó, theo TS. Nguyễn Đức Kiên chúng ta cần bắt tay vào triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2013; hạn chế khởi công mới các công trình, dự án, bảo đảm thực hiện đúng Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.
Ngoài ra, để tạo nền tảng phát triển kinh tế vững chắc hơn cho những năm tiếp theo như mục tiêu đặt ra, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng cần khẩn trương hoàn thành và triển khai đề án tái cơ cấu ngay sau khi được phê duyệt, xác định rõ và công khai mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế ngay từ đầu năm./.
Theo An Nguyên/Báo điện tử ĐCSVN