Cập nhật: 27/03/2009 04:58:15 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau một thời gian ngắn chúng ta lơi là với các biện pháp xử lý vi phạm Pháp lệnh Dân số, năm 2008 đã có gần 140.000 trường hợp sinh con thứ ba. Đó là số liệu thống kê chưa đầy đủ. Số tỉnh có số sinh con thứ ba tăng nhiều hơn so với những năm trước, điển hình là Sơn La tăng 57,7%, Bắc Ninh tăng 14,1%...

Hiện nay đối tượng sinh con thứ 3 không chỉ tập trung ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, gia đình có con một bề mà đã xuất hiện ở một bộ phận của những gia đình khá giả làm nghề tự do và cả cán bộ công chức, viên chức, đảng viên. Để giảm thiểu gia tăng dân số, Pháp lệnh Dân số sửa đổi vừa được ban hành, hy vọng sẽ kiên quyết xử lý được các vi phạm. Cùng với Pháp lệnh, hiện nay, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định Quy định việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số.

 

Số đảng viên, cán bộ công chức sinh con thứ ba trở lên tăng nhiều nhưng không được xem xét xử lý nghiêm nên đang ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Sự tăng dân số nhanh đã ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc bùng nổ sinh con thứ 3, nhìn nhận ở nhiều góc độ, chúng ta phải thừa nhận rằng Pháp lệnh Dân số vẫn còn những kẽ hở để nhiều cặp vợ chồng, thậm chí là công chức lợi dụng lách luật. Từ đầu năm 2009 đến nay, dù Pháp lệnh Dân số sửa đổi có hiệu lực nhưng tại một số tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sinh con thứ 3 vẫn diễn ra khá phổ biến. ở Hậu Giang mới chỉ 3 tháng đầu năm đã có hơn 360 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3. Tại Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau cũng xảy ra tình trạng này nhưng với số lượng ít hơn. Tiến sỹ Dương Quốc Trọng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình - Bộ Y tế cho biết: Việc sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số đã thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong cuộc vận động dân số, kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ sinh sản. Bởi một em bé được sinh ra sẽ kéo theo một loạt vấn đề về an sinh xã hội, đất đai, dịch vụ y tế, giáo dục, cơ hội việc làm... Có thể đối với một gia đình cụ thể, khá giả điều đó là bình thường nhưng sự bình thường đó không thể nhìn nhận ở góc độ nhà quản lý xã hội được. Đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, nơi tham gia vào việc soạn thảo dự thảo Nghị định Quy định việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình đang được trình Chính phủ phê duyệt tiết lộ thông tin: Có nhiều điểm mới với những hình thức xử lý cương quyết, triệt để hơn. Cụ thể là cán bộ đảng viên phải gương mẫu thực hiện; cán bộ, viên chức, công chức sinh con thứ 3 sẽ bị cách chức nếu như đang giữ chức vụ lãnh đạo; bị cảnh cáo nếu không giữ cương vị lãnh đạo; sẽ không đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo đối với người vi phạm chính sách dân số; sẽ không được chuyển ngạch công chức, kéo dài thời gian nâng lương; đối với những cán bộ, viên chức, công chức, đảng viên cố tình vi phạm, sinh con thứ 4 có thể sẽ bị buộc thôi việc.

 

Như vậy, đối với những cặp vợ chồng là công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên, sinh con thứ 3 đã có chế tài để xử lý. Thế nhưng, với những cặp vợ chồng sống bằng nghề tự do, buôn bán và nông dân thì xử lý như thế nào? Phạt khi đi đăng ký khai sinh, họ nộp ngay, không thắc mắc, vì năng lực kinh tế thừa đảm bảo. Sinh lần thứ tư, thậm chí đến lần thứ 5, mỗi lần đi đăng ký khai sinh cho con, họ đều rất vui vẻ nộp phạt, dù lần phạt sau cao hơn lần phạt trước. Vậy chế tài nào xử lý những đối tượng loại này? Văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ quy định chung chung là sinh con thứ ba trở lên bị phạt. Đối tượng là vùng sâu, vùng xa, khó khăn về kinh tế, phạt thì họ sợ nhưng họ không có tiền nộp phạt, họ không đi khai sinh nữa, đứa trẻ sinh ra sẽ thiệt thòi, mất quyền lợi do bố mẹ sợ nộp phạt. Đối tượng này còn có một hình thức khác có thể điều trị hiệu quả là tuyên truyền lợi ích và các biện pháp kế hoạch hoá gia đình. Ngoài quy định cụ thể xử phạt cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thì cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề dân số cần có những quy định để xử lý những đối tượng "thích" nộp phạt để sinh con và sợ nộp phạt khi đã nhỡ sinh rồi bỏ mặc quyền lợi của trẻ.

 

 

 

 

Theo ĐS & PL

 

 

Tệp đính kèm