Cập nhật: 31/03/2009 22:09:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó gần đây là sâu bọ, nạn rầy nâu đang ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng lúa gạo của Việt Nam. Thêm nữa, tình trạng thiếu hụt thực phẩm đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới dẫn tới giá gạo tăng cao và nguy cơ khan hiếm gạo chắc chắn sẽ xảy ra.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 130 triệu người vào năm 2035 phải cần tới 36 triệu tấn thóc. Để đạt được sản lượng này cần phải duy trì tối thiểu 3 triệu ha đất chuyên lúa 2 vụ để có 6 triệu ha gieo trồng. Tổng cục Thống kê cũng dự báo, đến năm 2024, dân số nước ta sẽ vượt ngưỡng 100 triệu người, trong khi đó Ngân hàng Thế giới lại dự báo, đến năm 2030, tổng sản lượng lương thực của Việt Nam sẽ giảm khoảng 5 triệu tấn. Nguyên nhân giảm năng suất lúa chủ yếu là do sâu bệnh phá hoại mùa màng, kỹ thuật chăm sóc cây trồng chưa được tốt.

 

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã và đang có những biện pháp tích cực để đảm bảo an toàn lương thực trong thời gian tới. Cụ thể, thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra nhiều chương trình hướng dẫn, đào tạo giúp người nông dân Việt Nam tăng cường hiểu biết về các biện pháp phòng tránh mất mùa cũng như nâng cao kiến thức khoa học để bảo vệ lúa và giống cây trồng hiệu quả. Dự án sắp tới do CropLife Asia (tổ chức tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sinh học) và Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tổ chức.

 

Những đóng góp của CropLiefe Asia trong việc tăng cường nhận thức của người nông dân đồng thời cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đang góp phần vào cuộc “cách mạng xanh” đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Yên Phong, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Nhận thức rõ vai trò và tác động của công nghệ do các tổ chức kinh tế sáng tạo và phát triển, những người nông dân Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình tập huấn về kỹ thuật sử dụng thuốc trừ sâu cũng như làm thế nào để nâng cao năng suất lúa, hoa mầu, và đã tiến hành thử nghiệm trên đồng ruộng từ năm 1996 đến nay, kết quả thu được rất khả quan. Sâu bệnh giảm rõ rệt, năng suất thu hoạch lúa, hoa mầu tăng gấp 2, thậm chí gần gấp 3 những năm 1996 trở về trước. Bác Nguyễn Thị Hải, nông dân tỉnh Vĩnh Phúc sau khi được tham gia chương trình tập huấn của CropLife Asia đã chia sẻ kinh nghiệm: “Thời điểm tốt nhất để phun thuốc trừ sâu là sau kỳ sinh đẻ của sâu bọ. Xịt thuốc vào thời điểm này sẽ giúp ngăn ngừa sâu bọ làm hại cây lúa một cách triệt để nhất”.

 

Ông George Fuller - Tổng Giám đốc CropLife Asia cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng thiếu hụt lương thực cũng như việc giá gạo đang ngày một tăng ở Việt Nam và cam kết sẽ hỗ trợ nông dân sản xuất đủ lương thực để nuôi sống gia đình và có một nguồn thu nhập ổn định”.

 

Về việc xử lý tình trạng sâu bọ lây lan ở các tỉnh phía Nam Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương cần có những biện pháp đưa ra, bao gồm điều tra và tịch thu việc mua bán trái phép các sản phẩm bảo vệ giống cây trồng kém chất lượng cũng như đẩy mạnh các chiến lược tập huấn nông dân có ý thức trong việc sản xuất thực phẩm an toàn chất lượng cao.

 

Với tất cả những cố gắng trên, tin rằng kỹ thuật nông nghiệp sẽ giúp ích cho người nông dân Việt Nam khắc phục tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm. Đồng thời, những khóa tập huấn hữu ích sẽ cung cấp cho nông dân giải pháp trồng trọt thực tiễn và hiệu quả nhất.

 

 

 

Theo Diễn đàn DN

 

 

Tệp đính kèm