Cập nhật: 24/04/2009 22:17:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là thực trạng được đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành nhấn mạnh trong buổi hội thảo trực tuyến hôm qua, 23/4. Cho dù, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp như tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho các tuyến y tế cơ sở, luân chuyển cán bộ... nhưng cũng chưa thực sự tháo gỡ được bài toán thiếu bác sĩ tại tuyến tỉnh, huyện, xã. Có những vùng “trắng” bác sĩ tuyến xã... Có tỉnh, 5 năm chỉ có 5 sinh viên tốt nghiệp trường y về làm việc!

Tuyển được 10 - xin chuyển 8!

 

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, Trương Hoài Phong hiện tất cả bệnh viện các tuyến từ tỉnh, huyện đến xã đều thiếu bác sĩ. Tuyến huyện chỉ có từ 1 đến 2 bác sĩ; còn ở tuyến xã chỉ có 85/106 xã có bác sĩ. Tuy nhiên, ngay cả bệnh viện đa khoa tỉnh, số lượng bác sĩ cũng đang thiếu ở nhiều chuyên khoa.

 

Ông Phong đề nghị Bộ Y tế cho phép được cử tuyển tại chỗ, vì hàng năm các trường chỉ đưa xuống từ 5- 7 cán bộ thì không biết đến bao giờ Sóc Trăng mới đủ nguồn nhân lực. Cũng theo ông Phong, nên nâng trung học y tế lên cao đẳng. Trước mắt, cho phép đào tạo tại chỗ chuyên ngành y tế dự phòng. Vấn đề này sẽ giải quyết được việc thiếu bác sĩ y tế dự phòng.

 

Đại diện Sở Y tế Đắc Nông cho biết, nhân lực y tế đang là vấn đề khó khăn và cấp bách của tỉnh. Tất cả các tuyến đều thiếu bác sĩ. Hiện chỉ có 4,6 bác sĩ/vạn dân và 0,12 dược sĩ/vạn dân. Tỉnh cũng có những chính sách thu hút bác sĩ nhưng số tuyển dụng hàng năm vẫn thấp, bình quân chỉ tuyển được 4- 5 bác sĩ trong mỗi năm. “Hiện nay có xu hướng bác sĩ bỏ việc, chuyển công tác về các tỉnh, thành phố có điều kiện hơn, đặc biệt là khối bệnh viện tư nhân đang hút bác sĩ. Nên có thời gian, tuyển được 10 nhưng có đến 8 bác sĩ chuyển đi” -  vị đại diện này nói.

Đại diện Sở Y tế Đắc Nông cho rằng, ngoài tăng cường đào tạo, luân chuyển cán bộ, Bộ Y tế nên có những quy định ràng buộc sau khi đào tạo phải làm việc tại các cơ sở y tế tuyến huyện. Điều này sẽ làm ổn định được số lượng bác sĩ tại các vùng miền, tránh được tình trạng bác sĩ đến thì ít mà đi thì nhiều. Đồng thời, cũng phải có chính sách đãi ngộ đặc biệt với cán bộ y tế để thu hút nhiều bác sĩ về vùng khó khăn.

 

5 năm - 5 bác sĩ về công tác

 

Theo BS Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, tỉnh chỉ có 3,5 bác sĩ/vạn dân. Hiện nay, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh mới chỉ đáp ứng 45% nhu cầu. Ở tuyến huyện hay trung tâm y tế dự phòng huyện có nơi chỉ có 4 bác sĩ, mà chỉ làm công tác quản lý. “98 xã ở Lai Châu hiện chưa có bác sĩ. Tính theo điều kiện hiện nay, đến năm 2015 tỉnh cần 650 bác sĩ. Trong khi đó, theo tính toán chương trình đang và sẽ đào tạo hiện có chỉ đáp ứng được 320 bác sĩ mà thôi”- BS Huấn trăn trở.

 

Cũng theo BS Huấn, trong thời gian 5 năm vừa qua, toàn ngành chỉ có 5 bác sĩ lên công tác tại tỉnh. Đây cũng chính là những con em người dân tộc ở địa phương đi học và trở lại quê hương phục vụ, chứ không phải người miền xuôi lên làm việc. Bên cạnh đó, vừa qua đã có 5 bác sĩ xin chuyển về miền xuôi công tác. BS Huấn cũng cho rằng, đây chính là vấn đề “đau đầu” của tỉnh, vì gây ra sự mất cân đối trong đào tạo cũng như phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

 

Hiện nay, hầu hết các tỉnh đều thiếu cán bộ y tế dự phòng, trong khi đó cán bộ y tế làm công tác dự phòng sau một thời gian lại chuyển ra các bệnh viện hoặc phòng khám, vì những người này không phải chuyên ngành dự phòng. Các ý kiến cho rằng, ngay từ khi đào tạo và tuyển công chức cần tuyển rõ chuyên ngành, nếu không chỉ một thời gian ngắn cán bộ dự phòng sẽ chuyển đi hết. Có thể thấy, nhân lực ngành y tế hiện nay thiếu trầm trọng, nhưng việc phân bố lại không đều và các chính sách đãi ngộ, cử tuyển còn nhiều điểm bất cập đã dẫn tới tình trạng bác sĩ trẻ khi ra trường không muốn trở lại địa phương hay về các vùng khó khăn công tác.

 

Đào tạo kế tiếp

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đang dự thảo nâng mức phụ cấp của cán bộ y tế lên 70% (mức hiện nay là 30%). Bộ Y tế cũng đã xây dựng chương trình triển khai Quyết định 1544 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi. Theo đó, trong giai đoạn 2007-2018 đào tạo nguồn nhân lực y tế theo chế độ cử tuyển cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc, miền Trung, vùng ĐBSCL và Tây Nguyên theo chế độ tuyển cử, để bổ sung nhu cầu cơ bản về nhân lực y tế và đáp ứng dịch vụ y tế.

 

Cũng trong thời gian này, đào tạo theo chế độ cử tuyển khoảng 12 ngàn cán bộ y tế cho vùng khó khăn, vùng núi. Trong đó, sẽ tổ chức kế tiếp hàng năm 6 khoá đào tạo bác sĩ đa khoa hệ tập trung trong 6 năm, ước khoảng 2.500 bác sĩ. Tổ chức kế tiếp hàng năm 6 khoá đào tạo dược sỹ học hệ tập trung 5 năm, ước khoảng 840 dược sĩ. Sẽ có 10 khoá đào tạo với 5 ngành học: Điều dưỡng trung cấp, hộ sinh trung cấp, dược sĩ trung cấp, kỹ thuật viên và y sĩ y học cổ truyền.

 

Để tháo gỡ những bất cập về nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế đang xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới đào tạo nhân lực y tế đến năm 2020, trong đó tăng cường xã hội hóa để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế. Đồng thời, hệ thống chính sách về đào tạo nhân lực y tế ở tất cả các bậc học, trong đó chú trọng đào tạo chuyên gia kỹ thuật cao và triển khai liên tục các chương trình đào tạo lại cán bộ y tế, kết hợp với nâng cấp các cơ sở đào tạo y, dược có đủ năng lực sẽ được ngành y tế triển khai... Tuy nhiên ngoài nỗ lực của ngành y tế, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhà nước cần nâng mức đầu tư cho các cơ sở đào tạo và cho sinh viên theo học ngành y cao hơn so với các ngành khác.

 

Theo Gia đình Net

Tệp đính kèm