Cập nhật: 06/05/2009 22:47:03 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước sự tàn phá ngày càng nặng nề của thiên tai, chính phủ nhiều nước và  tổ chức quốc tế đang cùng nhau thương thuyết, hợp tác trong nỗ lực chuẩn bị cho Hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) bàn về tình trạng biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Copenhagen (Ðan Mạch) vào tháng 12 tới, nhằm đạt được một Hiệp định mới về chống khí thải các-bon (CO2), nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, để thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn vào  năm 2012.

Nước Mỹ là một trong những quốc gia thải ra lượng khí thải CO2 nhiều nhất, nhưng chính phủ nước này vẫn chưa chịu ký vào Nghị định thư Kyoto đã được rất nhiều nước ký từ năm 1998. Lên cầm quyền ngày 20-1-2009, Tổng thống Mỹ B. Obama đã tuyên bố coi việc cắt giảm khí thải là một trong những chính sách ưu tiên của chính phủ và cam kết  Mỹ sẵn sàng đi đầu trong công cuộc tìm kiếm những nguồn năng lượng tái sinh nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Chủ trương này cũng được ông Obama nhấn mạnh tại diễn đàn Hội nghị cấp cao lần thứ năm của Tổ chức các nước châu Mỹ tại Trinidad và Tobago. Ngày 27-4 vừa qua, theo kế hoạch của Chính phủ Obama, Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức Diễn đàn các nền kinh tế lớn về Năng lượng và Khí hậu tại Washington với sự tham dự của  các bộ trưởng môi trường và ngoại giao của 17 nước trên thế giới.

 

Tại diễn đàn này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton  tuyên bố rằng, "Mỹ sẵn sàng đi đầu" và khắc phục sự chậm trễ trong cuộc chiến đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Bà  Hi-la-ri khẳng định, Tổng thống B. Obama và chính quyền của ông đang dốc sức giải quyết vấn đề này và sẽ có những hành động cụ thể. Bà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là mối đe dọa trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi khu vực và quốc gia, không chỉ tác động đến sự sống mà còn ảnh hưởng đến kế sinh nhai của con người. Bà cho rằng, khí hậu biến đổi  làm nghiêm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa, mực nước biển dâng cao. Những hậu quả của nó sẽ còn lâu dài và là nguyên nhân khiến sự  tranh giành nguồn lương thực, nước và các nguồn tài nguyên ngày càng trở nên gay gắt. Tình trạng này cũng sẽ  có thể làm nảy sinh những hiểm họa đe dọa sự ổn định về chính trị và xã hội nhiều nước. Chính sách và những việc làm  về môi trường này  của  chính quyền B. Obama hoàn toàn khác với thái độ của chính phủ  tiền nhiệm luôn coi nhẹ và phớt lờ nỗ lực của các nước về vấn đề bức xúc này. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Steve Chu cho rằng, nhiệt độ Trái đất tăng sẽ dẫn tới những trận bão có sức tàn phá lớn, nước biển dâng cao và hậu quả có hàng loạt hòn đảo bị biến mất.

 

Những ngày gần đây, các nhà khoa học tiếp tục đưa ra những báo cáo  đánh giá về tác động của khí hậu nóng lên toàn cầu. Hãng AP dẫn lại thông tin của tạp chí Khoa học số ra hôm 16-4 cho biết, băng tan tại Bắc Cực đã lộ rõ khối mầu đen nằm sâu trong lớp băng  tuyết  dày đặc đến nỗi không thể khoan để thăm dò và người ta thấy dòng "nước mầu đỏ như máu" chảy ra theo dòng nước của băng tan. Kết quả phân tích cho thấy, trong "nước mầu đỏ" này có chất Xun-phua và sắt. Tạp chí này cũng đưa ra dự báo, tại khu vực phía Tây châu Phi, tình trạng khô hạn sẽ  tái hiện và nghiêm trọng hơn hồi cuối thế kỷ 20, nơi người dân sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi.

 

Về tình trạng suy thoái  môi trường và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu  đối với khu vực Ðông - Nam Á, ngày 27-4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra  báo cáo dài 250 trang, cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng  quá trình phát triển kinh tế cũng như nỗ lực giảm nghèo của khu vực này. Biến đổi khí hậu không chỉ đe dọa  sự tồn tại các thành phố ven biển  mà còn làm sụt giảm sản lượng ngũ cốc do đất trồng trọt bị chìm trong nước biển, thậm chí làm bùng nổ xung đột xã hội nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới không giảm. Báo cáo nêu rõ, khu vực Ðông - Nam Á với số dân gần 600 triệu người, đã chiếm 12% lượng khí nhà kính trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu được kể tới là nạn phá rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các thành phố lớn thường tập trung ở khu vực ven biển, hoạt động kinh tế quá tải và dân cư đông. ADB cảnh báo, mức thiệt hại trung bình do biến đổi khí hậu gây ra đối với bốn nước có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất là Indonesia, Philippines, Thái-lan và Việt Nam, có thể tương đương 6,7% tổng giá trị GDP hàng năm của họ vào năm 2100, tức là cao gấp hai lần mức thiệt hại trung bình trên thế giới. ADB cho rằng nếu không sớm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu thì nhiệt độ trung bình tại khu vực Ðông - Nam  Á vào năm 2100 sẽ tăng thêm 4,8 độ C so với năm 1990 , khiến mực nước biển dâng cao thêm 0,7 m và hậu quả là sản lượng lúa gạo của bốn nước nêu trên có thể giảm tới 50%.

 

Báo cáo kết luận, khu vực Ðông - Nam Á có thể phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu nặng nề hơn mức trung bình trên thế giới và tình trạng tồi tệ nhất có thể đang tới gần. Chìa khóa cho các nước Ðông - Nam Á là phải bảo vệ những cánh rừng nhiệt đới, siết chặt công tác quản lý rừng, đầu tư trồng rừng cũng như các dự án trồng cây xanh trên lãnh thổ của mình, các biện pháp quản lý hệ thống thuỷ lợi và thoát lũ, thiết lập hệ thống cảnh báo  thiên tai sớm và bảo vệ các vùng  ven biển.

 

 

Theo ND

 

Tệp đính kèm