Cập nhật: 08/05/2009 22:29:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gian lận cước taxi là nỗi bức xúc thường trực của nhiều người dân. Sau một thời gian tạm lắng, mới đây hiện tượng này tái xuất hiện trở lại. Với một thiết bị được gắn song song với đồng hồ tính cước, lái xe taxi dễ dàng móc túi khách hàng bằng việc bí mật bấm nút để tăng số km trên đồng hồ tính cước theo ý muốn.

 

Xảo thuật tinh vi

Chiều 5/5, ông Trần Đăng Hải - Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở đã phát hiện xe taxi mang biển số 29U- 4570 gắn biển taxi Thành Nam sử dụng thiết bị tạo “xung” gắn vào đường dây trước đồng hồ tính tiền để gian lận cước.

 

Thiết bị gian lận cước taxi

 

Thiết bị này được điều khiển bằng một điều khiển từ xa. Khi xe chạy, lái xe chỉ cần nhấn nút là đồng hồ tính tiền sẽ tự động nhảy. Tài xế nhấn vào công tắc của thiết bị trên sẽ tạo xung điện tác động đến đồng hồ tính cước làm thay đổi số tiền hiển thị trên đồng hồ một cách nhanh chóng. Với mỗi lần nhấn công tắc từ 1 - 2 giây, đồng hồ tính cước sẽ tăng lên 2 km so với quãng đường thực tế mà xe đã đi.

 

Ông Hải cho biết, thủ đoạn ăn cắp rất tinh vi, thiết bị được lắp đặt dưới gầm xe nên kiểm tra khó phát hiện. Nếu trước khi kiểm tra, tài xế tháo thiết bị ra sau đó lắp lại thì thiết bị trên vẫn hoạt động được. Vì vậy rất khó cho các cơ quan chức năng phát hiện.

 

Sau khi phát hiện, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản tạm giữ xe còn hình thức xử phạt cụ thể đối với lái xe và hãng taxi thì Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để tiến hành xử lý.

 

Theo ông Hải, ý thức cảnh giác của hành khách đi xe là quyết định đối với việc phát hiện taxi gian lận. Khi phát hiện có gian lận, hành khách cần ghi lại biển kiểm soát, tên hãng và báo ngay tới đường dây nóng của Sở GTVT Hà Nội qua các số điện thoại: ông Thạch Như Sỹ (Chánh Thanh tra, 0913.211997); ông Hoàng Văn Mạnh (Phó Chánh Thanh tra, 0913.217027) và ông Trần Đăng Hải (0913.506436).

 

Các hãng taxi cần chủ động

 

 Việc lái xe taxi sử dụng thiết bị điện tử phát xung điện để gian lận đồng hồ tính cước là cách gian lận phổ biến và không mới, song tại sao các hãng taxi cùng người tiêu dùng vẫn bó tay. TTVH đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Sửu, Trưởng phòng Đo lường Cơ - Độ dài, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng (Bộ KHCN).

 

 Ông sửu cho biết, việc kiểm định chất lượng đồng hồ km xe taxi đang được tiến hành rất chặt chẽ. Hiện nay, cả nước có 12 trung tâm kiểm định chất lượng trên toàn quốc. Cụ thể, có các chi cục: Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Tp. HCM, Bình Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng; các trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2, 3; công ty ViLy và công ty kiểm định taxi Sài Gòn. Khi các hãng taxi muốn đi vào hoạt động phải đến 1 trong các trung tâm trên để kiểm định đồng hồ đo km để kẹp chì và dán tem bảo đảm. Mỗi năm các hãng lại kiểm định lại đồng hồ và cấp lại phù hiệu cho xe taxi một lần. Nếu không đủ điều kiện (trong đó có việc kiểm định đồng hồ đo km) thì sẽ không được cấp phù hiệu taxi. Như vậy thì xe taxi không thể hoạt động được. Khi thay đổi giá, các hãng có thể tự cài hoặc mang đến các chi cục, các trung tâm để cài. Tuy nhiên, sau khi cài đặt xong phải được tái kiểm định và được kẹp chì, thay tem đảm bảo khác. Vì thế, về nguyên tắc có thể nói, việc “trốn” kiểm định là rất khó xảy ra.

 

 Liên qua đến chất lượng đồng hồ tính cước ông Sửu cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có một số công ty sản xuất đồng hồ tính cước như (DN L.G.B (Hải Phòng), DN T.H.V (TP. HCM), DN Bát Thông (Hà Nội), DN Hồng Phương (Hà Nội), Trung tâm điện tử viễn thông Ánh Dương (TP. HCM). Nhưng đại đa số đồng hồ tính cước taxi hiện nay là nhập ngoại theo tiêu chuẩn nước ngoài. Tuy nhiên, đồng hồ sản xuất trong nước hay nhập khẩu cũng đều đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật mới được đưa vào lưu hành. Hơn nữa, trước khi hoạt động, đều phải qua kiểm định. Vì vậy, chất lượng của hệ thống tính cước taxi hiện nay là chính xác.

 

 Ông Sửu khẳng định, về kỹ thuật, chỉ có một cách để các tài xế gian lận cước taxi, đó là thay đổi nhịp xung của hệ thống lên đồng hồ km, làm cho đồng hồ chạy nhanh hơn. Muốn thay đổi nhịp xung, không thể không tác động vào đồng hồ tính cước. Đa số tài xế gian lận đều gắn thiết bị bên ngoài vào dây dẫn nhịp xung của hệ thống máy móc lên đồng hồ tính cước.

 

Muốn tránh gian lận chỉ cần các chủ hãng taxi chủ động vào cuộc, chủ hãng taxi có thể áp dụng biện pháp lắp ống kim loại bọc ngoài dây dẫn này và niêm phong, kẹp chì. Như vậy, các tài xế sẽ không còn cách nào tác động được vào đồng hồ tính cước.

 

 Ngoài ra, có thể chống gian lận cước bằng cách tác động vào đồng hồ đo km. Ví dụ, khi có thiết bị kích nhịp xung tăng lên đột ngột, đồng hồ sẽ tự ngắt, đồng thời ghi thông tin vào “hộp đen”. Hiện nay đã có một vài DN đang nghiên cứu sản xuất đồng hồ theo hướng này và nhận được sự ủng hộ của một số hãng taxi uy tín.

 

 

 

 

Theo Báo TT & VH

Tệp đính kèm