Cập nhật: 14/05/2009 21:39:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù đã có sự chủ động đối phó với bão lũ, thế nhưng trong năm 2008 trên khu vực biển Đông đã có tới 10 cơn bão và 3 đợt áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là cơn bão số 4, 6 và 7 với những diễn biến phức tạp, tạo ra mưa lớn trên diện rộng, gây lũ lớn làm thiệt hại nặng nề về tài sản, kết cấu hạ tầng của ngành đường sông.

Lấy phòng tránh để giảm thiệt hại

 

Ngay từ đầu mùa bão lũ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã chủ động kế hoạch trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão lũ. Đồng thời, tiến hành kiểm tra và đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ phương án phòng chống bão lũ, công tác chuẩn bị phương tiện, nhân lực, thiết bị, vật tư dự phòng để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu xảy ra, thực hiện phương châm “chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong đó lấy công tác phòng tránh là chính, vì vậy mùa bão lũ năm 2008 thiệt hại đã giảm nhẹ hơn so với mùa bão lũ năm trước.

 

Tổng thiệt hại do bão lũ năm 2008 khu vực miền Bắc, miền Trung là hơn 4 tỷ đồng. Cụ thể tại khu vực miền Bắc mất và hư hỏng hoàn toàn không khôi phục được 175 báo hiệu trên bờ, 26 biển báo các loại, 44 phao báo hiệu đồng bộ, 59 đèn báo hiệu, 10 bộ phụ kiện, 10 rùa neo phao, 49 bình ắc quy, sạt lở 30m2 sân, 67,2 m tường rào, 01 hệ thống điện vị trí chân cột báo hiệu. Khu vực miền Trung làm mất và hư hỏng hoàn toàn không khôi phục được 110 cột báo hiệu, 106 biển, 11 phao, 25 phụ kiện, 02 đèn báo hiệu, 04 ắc quy, 25 rùa neo phao. Tại khu vực miền Nam đã làm đổ và xói lở chân cột báo hiệu 62 vị trí, mất 5 phao đồng bộ, 2 đèn hiệu, 12 bộ phụ kiện.

 

Ngoài ra, công tác thường trực cứu nạn, chống va trôi tại 9 cầu trọng điểm trong mùa mưa bão năm 2008 (từ 30/6 đến 15/10/2008 ở miền Bắc, 15/10 đến 31/12/2008 ở miền Trung) được các đơn vị quản lý đường sông đặc biệt chú trọng; trong đó cầu Đồng Nai tổ chức điều tiết chống va trôi từ 1/1/2008 đến 15/5/2008; Tổ chức điều tiết hướng dẫn giao thông tại 11 khu vực trọng điểm và nguy hiểm đó là cầu Đuống, cầu Long Biên - Chương Dương, cầu Hồ, cầu Bình, cầu Sông Mới, cầu Chợ Gạo, cầu Măng Thít, cầu Cái Sắn, cầu Hồng Ngự, km25+500 sông Kinh Thầy và khu vực Suối Mèo - Pá Vinh vùng hồ Hoà Bình. Điển hình, là việc thực hiện công tác TKCN đưa phương tiện HD 0676 mắc kẹt tại trụ cầu Đuống ra khỏi vị trí bị nạn vào vị trí an toàn, không gây thiệt hại về người và hàng hóa trên tàu, cứu sống 3 người ngã từ cầu Long Biên - Chương Dương xuống sông Hồng. Tổng số đã hỗ trợ được 12.012 lượt phương tiện với tổng cộng 1.425.687 tấn hàng hóa góp phần giảm thiểu TNGT trong mùa mưa lũ.

 

Chủ động ứng phó với bão lũ

 

Để chủ động đối phó với mọi diễn biến phức tạp của bão lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện việc tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCLB-TKCN năm 2008 và xây dựng kế hoạch năm 2009.

 

Đồng thời, kiện toàn Ban PCLB và TKCN các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; Tiến hành kiểm tra trước mùa bão lũ, có kế hoạch sửa chữa, gia cố các công trình như nhà trạm, phao tiêu biển báo, phương tiện, trang thiết bị để đảm bảo cho công trình trên tuyến.

 

Đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra công tác phao tiêu biển báo, điều tiết, vị trí neo đậu tàu, thuyền khi có bão; Công tác chống va trôi đảm bảo an toàn cho các phương tiện vận tải đường sông và các cầu; Chuẩn bị phương án chống va trôi trên cơ sở Bộ GTVT bố trí vốn thực hiện và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện thủy và các cầu, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ quốc gia.

 

Ngoài ra, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch PCLB&TKCN cho đơn vị mình, có kế hoạch đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị máy móc và phao tiêu báo hiệu. Công tác báo cáo, thông tin liên lạc trong mùa bão lũ cần nhanh và kịp thời để có sự chỉ đạo, hỗ trợ khi cần thiết.

 

 

Theo Báo GTVT

 

 

Tệp đính kèm