Cập nhật: 20/05/2009 21:33:36 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Tư và các chuyên gia y tế thế giới trong thời gian qua đã khẳng định kết quả trên. Ngày 19/5, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết. Dịch tiêu chảy cấp đang có diễn biến ngày một phức tạp khi số bệnh nhân liên tục tăng. Bản đồ dịch tễ của dịch vừa ghi nhận thêm 2 tỉnh mới là Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Đặc biệt, đã có một bệnh nhân tử vong vì bệnh này.

Theo thống kê cụ thể, tính từ ngày 20/4/2009 đến nay, cả nước đã ghi nhận 56 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả, 628 ca nghi ngờ từ 13 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, và 2 tỉnh mới là Vĩnh Phúc và Hưng Yên.

 

Bên cạnh đó cũng có một số tỉnh thành báo cáo thêm các ca nghi ngờ về như Nghệ An, Yên Bái. Hiện Cục Y tế dự phòng và môi trường đang cấy mẫu.

 

"Nghiên cứu của Viện Vệ sinh dich tễ trung ương và các chuyên gia y tế thế giới đã khẳng định chủng vi khuẩn tả đang lưu hành tại Việt Nam là chủng vi phẩy khuẩn tả lây lan nhanh và có độc tính cao. Vì vậy từ trước đến nay chúng tôi vẫn cảnh báo, nếu chúng ta không thực hiện đúng khuyến cáo bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, thực hiện ăn chín uống sôi và rửa tay bằng xà phòng thì có thể sẽ có thêm nhiều người mắc và  tử vong: - TS Nga cảnh báo.

 

Ngày 19-5, TS Khu Thị Khánh Dung, Phó giám đốc BV Nhi trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận 8 trường hợp bệnh nhi bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, bệnh nhi nhỏ nhất 3 tuổi và lớn nhất là trẻ 9 tuổi. Kết quả cấy phân xét nghiệm của 8 bệnh nhi này đều cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả.

 

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn ở trẻ bị tiêu chảy cấp nhập viện tại đây là không có tình trạng nôn thốc, nôn tháo và tiêu chảy nhiều như người lớn. Hiện ba trẻ đã được xuất viện, 5 trẻ còn lại sức khỏe cũng đã ổn định.

 

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho thấy tại thời điểm Hà Nội xuất hiện bệnh nhân mắc tả thì ở nhiều địa phương khác cũng ghi nhận ca bệnh tả. Do đó, các chuyên gia dịch tễ nhận định sự giao lưu qua lại giữa các khu vực, thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều dễ gây ngập lụt đã tạo điều kiện cho việc phát tán mầm bệnh.

 

Đặc biệt, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã phát hiện tại một số địa phương có phẩy khuẩn tả trong nước bề mặt, trong rau, một số thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh.

 

Vê các biện pháp cấp bách mà Bộ y tế sẽ thực hiện để sớm khống chế dịch bệnh này, TS Nga cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm soát đảm bảo VSATTP.

 

Về lâu dài phải kiểm soát được nguồn phân, nếu nguồn phân người không ra môi trường, thì người dân sẽ không thể mắc bệnh tả được; nhưng đến nay  chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề này. Tại nhiều địa phương tỷ lệ hộ dân chưa có nhà vệ sinh vẫn rất cao. Người dân vẫn có thói quen sử dụng phân tươi để bón rau... .

 

 * Liên quan đến ca nhiễm cúm (H1N1) người Mỹ gốc Việt, cùng ngày, TS Nga đã chính thức xác nhận, 5 hành khách cùng chuyến bay với hành khách này tại Hàn Quốc đã về Việt Nam.

 

Theo thông báo của Đại sứ quán Hàn Quốc, bệnh nhân là Lê Thị Bích, 22 tuổi. Đây là một người Mỹ gốc Việt đang trên đường từ Mỹ về Việt Nam và được phát hiện mắc cúm A(H1N1) khi quá cảnh tại Hàn Quốc. Hiện bệnh nhân này vẫn đang được theo dõi, điều trị, cách ly tại Seoul, sức khỏe không có gì bất thường.

 

Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H1N1) hiện đã xác định được 5 hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này, trong đó 3 người ở TP Hồ Chí Minh, 1 ở tỉnh Vĩnh Long và 1 ở tỉnh Phú Yên. Mọi thông tin liên quan đến 5 hành khách này đều đã được thông báo cho y tế cơ sở để theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý ngay nếu họ có biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm A(H1N1).

 

 

 

Theo HNMO

 

Tệp đính kèm