Chiều qua (25/5), trao đổi với NNVN, ông Lê Thanh Hải, PGĐ Trung tâm Dự báo KTTV TƯ nhận định, thời tiết năm nay sẽ "điên đảo". Ngay đầu năm nền nhiệt độ miền Bắc vượt xa trung bình nhiều năm (TBNN), nhiều nơi nhiệt độ trung bình tháng 2/2009 cao chưa từng thấy, đạt cực đại trong chuỗi số liệu nhiều năm gần đây (Hà Nội 22,5 độ C), cao nhất cùng kỳ từ năm 1927 tới nay. Mặt khác các tỉnh Nam bộ thường xuyên phải hứng chịu những đợt mưa trái bất ngờ và dai dẳng…
Nhiều hơn 2008 từ 5 - 6 cơn?
Dự báo năm 2009 bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều và sớm hơn các năm. Số cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam có khả năng ở mức nhiều hơn so với TBNN từ 5- 6 cơn (năm 2008 có 3 cơn bão và 2 ATNĐ đổ bộ). Bên cạnh đó, mùa mưa năm 2009 có thể diễn biến phức tạp, mưa lớn có khả năng xảy ra trên diện rộng và thành các đợt kế tiếp nhau rất khó lường.
Cũng theo ông Hải, trong tháng 6 tới sẽ có ít nhất từ 1 - 2 cơn bão. Bắc bộ sẽ có lượng mưa cao hơn mức TBNN, nắng nóng cũng sẽ gay gắt. Năm 2008 thiên tai đã khốc liệt song năm 2009 còn nhiều hơn, sớm hơn, mưa còn lớn hơn và sớm hơn. Điều này đồng nghĩa lũ quét cũng sẽ nhiều và khốc liệt hơn.
Đỉnh lũ Bắc bộ- đầu tháng 7
Về thủy văn, tại Bắc bộ năm nay, nhìn chung đỉnh lũ cao nhất trên các hệ thống các sông phổ biến thấp hơn đỉnh lũ năm 2008, riêng lưu lượng lớn nhấ́t về hồ Hoà Bình có khả năng lớn hơn đỉnh lũ năm 2008; trên các sông thuộc hệ thống sông Hồng có khả năng ở mức lớn hơn hoặc ở mức TBNN.
Tại Trung bộ và Tây Nguyên, đỉnh lũ cao nhất năm 2009 trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh cao hơn TBNN, ở mức báo động 2 và cao hơn báo động 2; các sông chính từ Quảng Bình đến Bình Thuận và Tây Nguyên có khả năng ở mức TBNN và cao hơn báo động 3, đề phòng có khả năng xảy ra lũ lớn trên một số sông suối tại khu vực này. Còn tại Nam bộ, đỉnh lũ cao nhất năm trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc xấp xỉ TBNN, ở mức báo động 3 và cao hơn đỉnh lũ năm 2008.
Theo dự báo đỉnh lũ cao nhất năm 2009, trên các sông chính ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8; trên các sông ở Bắc Trung bộ và Tây Nguyên vào cuối tháng 8 và tháng 9 trên các sông ở Trung Trung bộ, Nam Trung bộ vào tháng 10 - 11 và trên sông Tiền, sông Hậu vào cuối tháng 9, đầu tháng 10.
Đã “báo động” phải có “báo yên”
Theo ông Lê Thanh Hải, dự kiến bắt đầu từ mùa mưa bão tới, việc dự báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm như bão, ATNĐ và lũ sẽ tuân thủ quy trình, quy định mới. Dự thảo Thông tư dự báo bão lũ của Trung tâm Dự báo KTTV TƯ sẽ được Bộ TN-MT ban hành mùa bão lũ năm nay. Nội dung các bản tin dự báo KTTV sẽ được cải tiến theo hướng dễ hiểu hơn và chi tiết hơn.
Đơn cử, để xác định tâm bão mà chỉ nói đến vĩ độ, kinh độ thì người dân bình thường rất khó hình dung. Trung tâm sẽ bổ sung khoảng cách ước tính đến những địa danh dễ xác định và để trống một số phần để cơ quan KTTV địa phương chi tiết hóa thêm. Dự báo càng chi tiết, càng “địa phương hóa” thì chính quyền các cấp càng có cơ sở để đưa ra quyết định điều hành chính xác và ít tốn kém.
“Ví dụ, khi có bão trên biển Đông cũng không có nghĩa là toàn vùng biển đều động, trên thực tế vẫn có vùng ngư dân có thể khai thác, đánh bắt được; tàu thuyền cỡ lớn vẫn có thể hoạt động được. Rồi đã báo động thì phải có báo yên. Ta mới chú ý báo động, mà chưa chú trọng “báo yên” kịp thời. Thông tư về dự báo bão lũ và ATNĐ sẽ được Bộ TN - MT ban hành trong tháng tới”-ông Hải nói.
Theo NNVN