Tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh.
Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khối và tỉnh đã họp ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) bàn bạc và nhất trí đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày thương binh liệt sĩ” đầu tiên trong cả nước. Từ đó, ngày 27-7 hàng năm trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ”.
Trong thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau què quặt”. “Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” và ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh. Nhân Ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu Người, 1 tháng lương của Người, 1 bữa ăn của Người và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ00). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tin tưởng vào tấm lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào, chắc rằng Ngày thương binh sẽ có kết quả mỹ mãn.
Kể từ ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên trong cả nước, đến nay đã 62 năm, nhân dân ta luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu lòng biết ơn về sự hy sinh to lớn của các đồng chí thương binh, các gia đình liệt sĩ và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa, thời gian qua đã có 9.832 xã, phường / 10.603 xã, phường trong cả nước được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố công nhận làm tốt công tác Thương binh, Liệt sĩ (đạt tỷ lệ khoảng 95%) với hơn 1,7 triệu gia đình có mức sống trung bình và khá trên tổng số hơn 1,9 triệu hộ gia đình chính sách. Trong phong trào vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, bằng nhiều hình thức vận động sáng tạo, các cơ quan, đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã vận động được gần 28 tỷ đồng xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, để xây mới 786 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 2.000 nhà, tổng trị giá gần 6 tỷ đồng, tặng các gia đình chinh sách.
Long An là tỉnh có truyền thống làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, đang dẫn đầu các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với gần 12 tỷ đồng. Với nguồn vốn này Long An đã xây mới hơn 400 nhà tình nghĩa; giúp vốn sản xuất và hỗ trợ cải thiện đời sống cho nhiều gia đình nghèo.
Với sáng kiến xây dựng chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa “Màu hoa đỏ 2009” do Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và một số cơ quan, doanh nghiệp phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 62 năm Ngày thương binh liệt sĩ đã nhận được sự ủng hộ của 30 doanh nghiệp trong cả nước với tổng số tiền 1 tỷ 585 triệu đồng.
Cho đến nay mặc dù cả nước đã làm được 310 nghìn ngôi nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách, song vẫn còn 17.285 gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở, vẫn phải sống trong những “túp” nhà dột nát, tạm bợ đang cần sự chia sẻ của cả nước.
Với truyền thống và tấm lòng nhường cơm, sẻ áo; Ngày thương binh liệt sĩ sẽ có kết quả mỹ mãn như niềm tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Theo ĐCSVN