Cập nhật: 04/08/2009 22:55:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu không làm tốt ngay từ công tác phòng chống dịch thì có thể gây hậu quả khôn lường, vì vậy, nhà trường cần thực hiện nghiêm ngặt, với tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Dịch cúm A/H1N1 đang lây lan nhanh tại Hà Nội. Tính ngày 3/8, đã có 8 học sinh của Trường THPT Lomonoxop nhiễm cúm. Đáng lo ngại, đây lại là thời điểm chuẩn bị cho khai giảng năm học mới. Theo kế hoạch của Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội, ngày 17/8, học sinh toàn thành phố sẽ tựu trường. Trước tình hình trên, Sở Giáo dục-Đào tạo liên tục có công văn chỉ đạo việc triển khai phòng chống dịch, và một số trường sẽ hoãn tập trung học sinh theo kế hoạch.

 

Tổng vệ sinh toàn trường, tránh tập trung học sinh…

 

Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 lây lan mạnh, Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội liên tục gửi công văn yêu cầu các phòng Giáo dục-Đào tạo quận, huyện, thị xã; Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên, hiệu trưởng các trường trực thuộc triển khai gấp các nhiệm vụ phòng chống dịch cúm A/H1N1 như: Tổ chức tổng vệ sinh toàn trường trước ngày tựu trường (17/8); duy trì hoạt động vệ sinh hàng ngày. Tổ chức tốt việc thực hành vệ sinh cá nhân cho cán bộ giáo viên và học sinh (HS). “Hạn chế ở mức cao nhất việc tập trung HS trước ngày tựu trường nếu thấy không thật sự cấp thiết. Riêng đối với trường THPT Lomonoxop và các trường lân cận ngừng ngay mọi hoạt động dạy và học cho đến khi có ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Sở” - ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh.

 

Sở cũng đề nghị, các đơn vị trường học, đặc biệt là những trường nằm trong khu vực có dịch và các vùng lân cận, phối hợp thông tin chặt chẽ với các cơ sở y tế, các cơ quan chức năng tại địa phương chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1.

 

Khi phát hiện có dấu hiệu dịch xảy ra tại cơ sở mình, cần báo ngay với cơ quan y tế địa phương và Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội để kịp thời xử lí, dập dịch tại chỗ, kiên quyết không để lây lan ra cộng đồng.

 

Là trường đầu tiên của Hà Nội có HS nhiễm cúm A/H1N1, thầy Lê Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lomonoxop cho biết, ngày 1/8, toàn bộ khuôn viên trường và các trường lân cận đã được phun thuốc khử trùng và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống cúm.  Mặc dù theo kế hoạch, ngày 3/8, trường sẽ tập trung HS và bắt đầu học nhưng do ảnh hưởng của dịch cúm A/H1N1 và thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội nên việc tập trung HS cho năm học mới 2009-2010 phải lùi lại. Dự kiến, lịch tập trung sẽ vào ngày 10/8/2009.

 

Là một trường nằm sát trường THPT Lomonoxop, bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Dân lập Đoàn Thị Điểm cho biết, mặc dù, theo lịch hoạt động của trường thì ngày 5/8, HS sẽ tập trung tại trường, nhưng do dịch cúm đang xảy ra ngay trên địa bàn nên trường vừa có thông báo lại cho HS nghỉ hết tuần này và đến ngày 10/8 mới tập trung nếu không có gì bất thường xảy ra. Hiện trường đã thành lập Ban chỉ đạo và trong cả tuần này sẽ tập trung tổng vệ sinh toàn trường, phun thuốc muỗi, thuốc khử trùng. Đồng thời, trường cũng tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên, cán bộ y tế, nhân viên của nhà trường về công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1, cách phát hiện ra người bị mắc cúm.

 

Trường cũng đã thông báo đến phụ huynh yêu cầu ngày 10/8, tất cả HS khi tập trung sẽ phải đeo khẩu trang và trước khi vào lớp, giáo viên chủ nhiệm của các lớp sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của từng em, nếu phát hiện có biểu hiện nhiễm cúm thì sẽ cho cặp nhiệt độ và cách ly ở phòng y tế.

 

Trường bố trí có 3 cán bộ y tế ứng trực chuẩn bị sẵn sàng khẩu trang, thuốc và xe cấp cứu để phòng trường hợp có HS biểu hiện mắc cúm.

 

Theo bà Hiền, HS của trường khá đông với hơn 2.700 em, nếu không làm tốt ngay từ công tác phòng chống dịch thì có thể gây hậu quả khôn lường, vì vậy, nhà trường thực hiện rất nghiêm ngặt, với tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh.

 

Không hoang mang, nhưng không chủ quan 

 

Trong kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong năm học mới này, Sở Giáo dục-Đào tạo còn yêu cầu các cơ sở giáo dục cần phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, cán bộ y tế trường học về biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1. Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về phòng chống dịch cúm A/H1N1.

 

Đối với công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 xảy ra tại trường thì cần phân công cán bộ trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 của đơn vị cùng cán bộ y tế trường học ứng trực trong ngày, chủ động trong việc phát hiện các trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. Tổ chức kiểm tra thân nhiệt các trường hợp nghi nhiễm cúm bằng nhiệt kế y học. Nếu thân nhiệt cao hơn bình thường, cần có biện pháp cách ly và theo dõi.

 

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, trong những ngày tới, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 của ngành giáo dục Hà Nội sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố và  Sở Y tế kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các trường học và cơ sở giáo dục.

 

Mới đây, Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục, các trường ĐH, CĐ, học viện, trung cấp chuyên nghiệp triển khai một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch cúm, trong đó nhấn mạnh, khi phát hiện trường hợp nhiễm cúm, cần có biện pháp khẩn cấp để hạn chế sự lây lan, đồng thời báo cáo ngay các cơ quan quản lý giáo dục và cơ quan y tế để được hướng dẫn, quyết định việc tạm thời đóng cửa trường và mở trở lại khi đủ điều kiện. Tuyệt đối không chủ quan, không hoang mang trong phòng chống dịch cúm A/H1N1./.

 

TP. Hồ Chí Minh: Tập huấn cho học sinh cách phòng chống dịch

 

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh cho biết, sẽ tiến hành thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong từng trường; tập huấn cho cán bộ, giáo viên và học sinh về cúm A/H1N1 và cách phòng chống. Làm tốt vệ sinh môi trường và cơ sở vật chất nhà trường, thường xuyên theo dõi kiểm tra để đảm bảo liên tục ý thức phòng chống dịch bệnh trong nhà trường. Ngành GD-ĐT thành phố đã sẵn sàng cho việc tập trung học sinh và khai giảng năm học mới. Năm học 2009-2010 bắt đầu từ ngày 15/8, riêng bậc học mầm non bắt đầu từ ngày 17/8.

 

Bổ sung phác đồ điều trị cúm A/H1N1

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế thông báo, số ca dương tính với cúm A/H1N1 ở Việt Nam đến 17h ngày 3/8 là 971 trường hợp, không có tử vong. Trong đó, số ca mới phát hiện trong ngày là 35 trường hợp và hầu hết là ở khu vực miền Nam với 26 ca.

 

Ngày 3/8, Bộ Y tế đã bổ sung một số hướng dẫn cụ thể trong phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H1N1” được ban hành từ ngày 29/4. Phác đồ mới này thay thế cho Quyết định số 1440/QĐ-BYT ngày 29/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H1N1 ở người" và áp dụng tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh kể từ 3/8. Điểm mới bổ sung trong phác đồ là: Các cơ sở y tế căn cứ vào yếu tố dịch tễ của người bệnh, các biểu hiện lâm sàng điển hình của cúm A/H1N1 để tiến hành điều trị ngay mà không cần xét nghiệm. Phần sử dụng thuốc Tamiflu cho người nhiễm cúm cơ bản vẫn như phác đồ đã ban hành, tuy nhiên, có điều chỉnh liều dùng cho sát với độ tuổi, hiện trạng bệnh, các diễn biến lâm sàng cũng như cơ địa thích ứng với Tamiflu của người bệnh. Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào kháng thuốc điển hình với Tamiflu.

 

Tại Hà Nội, UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 3880, thành lập 6 đoàn liên ngành để kiểm tra việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm A/H1N1 trên địa bàn. Từ đầu tháng 8, 6 đoàn công tác liên ngành do lãnh đạo các Sở: Y tế, GD-ĐT, Công Thương, NN&PTNT tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống cúm A/H1N1; việc tuyên truyền 5 biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H1N1; công tác tổng vệ sinh môi trường công cộng, trường học, công sở, doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư trên địa bàn 29 địa phương của thành phố. UBND TP. Hà Nội cũng có Công điện khẩn số 12, yêu cầu các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của thành phố, Chủ tịch UBND các địa phương và tổ chức, cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội, thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm A/H1N1.

 

Tại Ninh Thuận, đã xác định 3 ca dương tính với cúm A/H1N1 và 3 ca có biểu hiện của cúm A/H1N1 đang chờ kết quả xét nghiệm. Hiện, sức khỏe của các bệnh nhân này đều ổn định, hết sốt, đang được điều trị, cách ly tại khoa nhiễm của Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Ngành y tế tỉnh Ninh Thuận đã xác định được 4 ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm A/H1N1 là nơi các bệnh nhân cư trú và công tác. Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận và ngành chức năng đã kiểm tra các địa phương nghi có ổ dịch, đồng thời chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền diễn biến và các biện pháp phòng chống bệnh cúm A/H1N1.

 

Tại Đắk Lắk, ngày 3/8, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk quyết định đóng cửa Trường Mầm non thực hành sư phạm Hoa Hồng 1 tuần vì có 1 học sinh dương tính với cúm A/H1N1. Bệnh nhân là cháu Trần An Nguyên, 4 tuổi, nhà ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột. Ban giám hiệu Trường Mầm non thực hành sư phạm Hoa Hồng đã cung cấp danh sách 79 cháu đã tiếp xúc với cháu An Nguyên trong những ngày trước đó cho ngành y tế giám sát.

 

Đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk có 17 ca dương tính với cúm A/H1N1, trong đó, TP. Buôn Ma Thuột có 12 ca thuộc 9 xã, phường. Điều đáng lưu ý là 11 ca mắc cúm trước là do bệnh nhân từ vùng có dịch trở về, riêng đối với trường hợp cháu Trần An Nguyên thì ngành y tế Đắk Lắk chưa xác định được nguồn lây bệnh. Hiện, các nhân viên y tế đang tìm hiểu thêm thông tin từ gia đình để xác định nguồn bệnh, từ đó có biện pháp khoanh vùng, dập dịch được tốt hơn./.

 

 

Theo Thu Hằng Báo TNVN

Tệp đính kèm