Cập nhật: 16/08/2009 16:48:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến thời điểm hiện nay, cùng với sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực của nền kinh tế nước ta, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng có những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thế, cũng đang đặt ra một số vấn đề vần cần được tiếp tục giải quyết.

 

Từ mấy tháng nay, đến các khu công nghiệp ở Hải Dương, Hưng Yên, Hải phòng, Hà Nội hoặc các khu công nghiệp tập trung ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...người ta thấy xuất hiện ở trước cửa các cơ sở sản xuất này tấm băng-zôn “ở đây cần tuyển lao động”. Hiện tượng này cho thấy khác hẳn tình hình ảm đạm hồi đầu năm khi đất nước ta bước vào công cuộc chống suy giảm kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dệt may, làm hàng xuất khẩu hoặc có vốn đầu tư nước ngoài do không ký được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, giảm bớt lao động, nên nhiều lao động công nghiệp bỏ về quê và chuyển sang làm các dịch vụ khác để tạm thời giải quyết những khó khăn đời sống của bản thân và gia đình. Một số cơ quan thông tin đưa ra những con số dự báo chẳng mấy lạc quan; khoảng hai triệu lao động sẽ mất việc làm. Nguy cơ mất việc lầm đe doạ nhiều nhất tập trung ở các địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng, Nam Định...

 

 

Theo các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Bộ Lao động Thương binh- Xã hội thì đến cuối tháng 6-2009, cả nước chỉ có 107.206 người lao động bị mất việc làm.bằng khoảng 18% tổng số lao động trong các DN (trong đó lao động nữ chiếm 31%).

 

Trong mấy tháng gần đây, nhất là cuối tháng 7 đầu tháng 8, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đã có những tín hiệu khá lạc quan, chẳng những chỉ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở phía Nam mà các khu công nghiệp phía Bắc, hầu như DN nào cũng phải treo biển tuyển dụng công nhân, đặc biệt là lao động phổ thông. Sở dĩ có tình hình như trên là do hoạt động sản xuất kinh doanh trong cả nước đang dần hồi phục, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khai thác được đơn đặt hàng trở lại. Mặt khác, tình trạng bị mất việc làm trong thời gian qua chỉ mang tính tạm thời vì hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh cả nước đang dần hồi phục, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ còn tăng lên và ở mức cao tạo nhiều cơ hội cho người lao động. Trong khi chúng ta đang lo ngại tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn sẽ làm nhiều người lao động bị mất việc làm thì trong hai, ba tháng trở lại đây nhu cầu sử dụng lao động của DN lại đang tăng mạnh sau khi có các đơn đặt hàng trở lại và có thêm nhiều doanh nghiệp mới ra đời. Thậm chí theo điều tra về sử dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay còn cao hơn nhiều lần lượng người vẫn đang bị mất việc làm. Ở TP Hồ Chí Minh, trong cả sáu tháng đầu năm có tổng cộng 23.796 người bị mất việc làm, nhưng nhu cầu hiện nay của các DN đang cần tới 61.527 người lao động. Tương tự, ở các khu công nghiệp như tỉnh Binh Dương hiện cũng đang cần gấp tới 41.600 vị trí làm việc, trong khi vị trí mất việc trước đó chỉ có gần 9000người. Ở các khu công nghiệp Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu nhu cầu sử dụng lao động hiện cũng đang vượt lên từ 2-6 lần so với lượng người mất việc làm trước đây.

 

Hiện nay ngành Dệt-May đang đứng trước tình trạng thiếu nhân lực. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, hiện mỗi DN trong Hiệp hội đang thiếu 15% lao động và sẽ còn thiếu hơn nữa vì từ nay đến cuối năm, các DN sẽ còn khai thác được thêm nhiều đơn đặt hàng mới.

 

Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp trước đây cho người lao động giảm việc, cho nghỉ việc nay không thu hút lại được, vì phần lớn số lao động này đã về quê hoặc đã tìm được công việc khác thích hợp. Mặt khác không ít một số doanh nghiệp trước đây đã đối xử hà khắc với người lao động. Không đóng đầy đủ các loai bảo hiểm theo quy định của Luật lao động đối với người lao động. Có DN có 700 lao động nữ, nhưng không có khu vực thay quần áo, buồng tắm, buồng vệ sinh...Có DN tự đặt ra quy định làm tròn thời gian đi trễ của CN dưới 30 phút cũng tương đương 30 phút để không tính lương.

 

Tất cả những việc xử sự của lãng đạo đối với người lao động như trên khiến khi cần thiết người lao động không mặn mà trở lai với DN nữa. Việc gọi lại lao động cũ quen việc rất khó khăn, trong khi tuyển lao động mới lại chưa thạo việc, điều này cũng gây không ít khó khăn cho các DN nhận thêm được đơn đặt hàng mới. Hiện tượng DN không thể tuyển được lao động cho mình còn do trình độ và tay nghề của các lao động phổ thông hiện không đáp ứng được yêu cầu khi nhận các đơn đặt hàng mới.

 

Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người lao động và các DN thời gian tới, ngành Lao động tiếp tục thực hiện một số giải pháp: Mục tiêu trước mắt đặt ra là tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Bên cạnh việc triển khai cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước để tạo ra nhiều công ăn việc làm theo các giải pháp của Chính phủ thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ đẩy mạnh việc đưa người lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài. Cụ thể các thị trường đang khai thác, Bộ cùng các DN sẽ khai thác thêm các thị trường mới ở châu Âu và đã khai thác thêm được một số hợp đồng mới ở Trung Đông. Song để đưa được người sang các thị trường trên thì yêu cầu các DN phối hợp với các trường, trung tâm dạy nghề phải đào tạo một cách bài bản cho người lao động. Theo đó phải kết hợp đào tạo nghề với đào tạo định hướng bằng việc trang bị cho người lao động thêm cả hiểu biết về văn hoá và pháp luật của các nước mà họ sẽ đến làm việc bên cạnh tay nghề và ngoại ngữ. Phương châm là sẽ đưa lao động có chất lượng ra nước ngoài chứ không chạy theo số lượng như trước nữa.

 

Đối với những người lao động chưa tìm được việc làm và những lao động nước ngoài phải về nước trước thời hạn, hiện đã có chính sách cho họ vay vốn để họ tự tạo việc làm. Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, việc triển khai cho các đối tượng kể trên vay vốn đã bắt đầu từ tháng 7-2009 và sẽ được đẩy mạnh trong các tháng cuối năm. Bên cạnh đó Bộ LĐTB-XH cũng sẽ nỗ lực để chính sách bảo hiểm thất nghiệp (đã có hiệu lực từ đầu năm 2009) có thể đi vào cuộc sống nhằm hỗ trợ cho các đối tượng lao động giải quyết được khó khăn đời sống.

 

 

Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm