Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, sau hơn hai năm thực hiện Quyết định 157/2007/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình tín dụng ưu đãi đối với sinh viên, tổng số tiền cho vay đã tăng 47 lần, hơn 1,3 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, tăng gấp 14 lần. Tính bình quân, cứ 100 học sinh, sinh viên đang theo học bậc đại học, cao đẳng và trung cấp có 27 người được vay vốn.
Với Quyết định 157, đối tượng vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được mở rộng hơn, ngoài những học sinh, sinh viên là con của các hộ nghèo còn bao gồm cả con của hộ cận nghèo (thu nhập bằng 150% so với hộ nghèo), hộ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai,... Học sinh, sinh viên được vay vốn không phân biệt loại hình đào tạo công lập hay dân lập và thời gian đào tạo trên một năm hay dưới một năm.
Mức cho vay so với Quyết định 107/2006/QÐ-TTg được tăng từ 300 nghìn đồng lên 800 nghìn đồng/học sinh/tháng; lãi suất cho vay được áp dụng là 0,5% tháng, thấp hơn mức lãi suất cho vay hộ nghèo. Trong thời gian đang theo học tại trường, cộng với một năm sau khi ra trường, học sinh, sinh viên chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay; trường hợp trả nợ trước hạn được giảm 50% lãi suất cho vay.
Ða số các trường đã tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, sinh viên về công tác tín dụng đối với sinh viên và xây dựng quy trình xác nhận nhanh chóng cho học sinh, sinh viên thuộc diện vay vốn. Trong giai đoạn khó khăn về kinh tế thời gian qua, số tiền 800 nghìn đồng/tháng vay từ chương trình tín dụng đã giúp rất nhiều học sinh, sinh viên yên tâm học tập. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều học sinh, sinh viên đang trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn có nguy cơ bỏ học đã tiếp tục theo đuổi con đường học tập của mình.
Theo ước tính, mỗi học kỳ, số tiền cho học sinh, sinh viên vay khoảng 4 nghìn tỷ đồng, một năm học khoảng 8 nghìn tỷ đồng. Một chu kỳ cho vay - thu hồi vốn khép kín có thời gian là 5 năm, tổng số tiền sẽ là khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Sau đó, cứ tuần tự thế hệ sinh viên tốt nghiệp trả nợ và lãi để lấy nguồn vốn cho thế hệ sinh viên sau vay học tập.
Tính nhân văn và những tác dụng thiết thực của chương trình tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên dù mới chỉ qua hai năm thực hiện nhưng đã được thể hiện rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ sự lo ngại về công tác thu hồi nợ để bảo đảm tính bền vững cho chương trình. Ðến thời điểm này, đã bắt đầu có những sinh viên ra trường đến hạn trả nợ nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể về việc quản lý giấy cam kết trả nợ của học sinh, sinh viên.
Một số người cho rằng, một bộ phận học sinh, sinh viên khi ra trường có thu nhập thấp, nhất là những học sinh trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề (thường thu nhập dưới một triệu đồng/tháng) thì rất khó khăn khi phải trả nợ 800 nghìn đồng/tháng cộng với tiền lãi hằng tháng. Nhiều gia đình học sinh, sinh viên rất khó khăn về kinh tế, sau quãng thời gian từ 4 đến 5 năm nuôi con ăn học, nếu không có nguồn kinh phí khác hỗ trợ thì rất khó có điều kiện để trả nợ đúng hạn.
Việc quy định bắt đầu trả nợ và lãi sau khi ra trường một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng với thời gian vay vốn có lẽ chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sinh viên, học sinh là đối tượng của chương trình. Bởi lẽ, sinh viên nếu may mắn, sau khi tốt nghiệp một năm mới có thể kiếm được một chỗ làm. Với những sinh viên vừa ra trường đã đi làm ngay thì sau khi ra trường một năm cũng vừa mới được hưởng 100% mức lương khởi điểm. Thu nhập thấp, lại trong khoảng thời gian có nhu cầu chi tiêu lớn cho các phương tiện phục vụ công việc (điện thoại, xe máy...) nên việc trả nợ vốn vay thật sự là điều khó khăn cho người mới tốt nghiệp.
Nhiều người cho rằng, để tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên trả nợ, có thể kéo dài thêm quãng thời gian chưa phải trả nợ sau khi ra trường lên một năm rưỡi hoặc hai năm. Hoặc vẫn quy định thời gian tối đa để trả hết nợ bằng với thời gian vay vốn nhưng có thể trả dồn trong hai, ba năm sau cùng của kỳ hạn.
Làm được như thế, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người vay vốn trả nợ đồng thời cũng dễ dàng hơn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc thu hồi vốn!
Theo Nhandan Online