Cập nhật: 20/08/2009 22:02:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là mục đích của hội thảo “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương vừa tổ chức tại Hà Nội.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng

 

Hội thảo là một trong những yếu tố giúp Bộ Công thương có cơ sở đánh giá tác động của Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nhằm cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo được tính thống nhất, hợp lý và khả thi của dự thảo luật nhằm thay thế Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có từ năm 1999. So với các quy định pháp luật trước đây, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra nhiều quy định mới liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp như trách nhiệm sản phẩm, bảo hành, giải quyết khiếu nại, cung cấp thông tin... Tuy nhiên, chế tài xử lý dường như chưa đủ sức răn đe, cơ chế xử lý khiếu nại của người tiêu dùng còn nhiều bất cập, chưa huy động được sức mạnh của cả xã hội để bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, định hướng xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng lần này sẽ sử dụng quyền lực thị trường nhằm nâng cao lợi ích người tiêu dùng bao gồm các vấn đề cân bằng lợi ích xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng; Bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững; Thông qua hoạt động bảo vệ người tiêu dùng nhằm đảm bảo trật tự công; Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, bảo đảm các quyền lợi của doanh nghiệp, tránh tình trạng người tiêu dùng lợi dụng chính sách để gây thiệt hại cho doanh nghiệp... Lãnh đạo Bộ Công thương cũng nhận định: “Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của công tác này. Nếu làm tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng sẽ bảo vệ được quyền lợi của mình và nâng cao uy tín, lòng tin đối với người tiêu dùng Việt Nam. Đây là một trong những định hướng quan trọng khi xây dựng Luật này”.

 

Cân bằng lợi ích

 

Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã được điều chỉnh rải rác trong nhiều văn bản của hệ thống pháp luật hiện hành như Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bảo hiểm… Các luật, nhất là luật chuyên ngành đều có mục đích chung là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng - người đóng góp thuế tạo ra nguồn thu quan trọng cho ngân sách. Tuy nhiên trên thực tế việc xâm phạm lợi ích người tiêu dùng vẫn xảy ra với nhiều mức độ nghiêm trọng nhưng chưa được xử lí một cách thấu đáo và triệt để. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm có chất độc hại tràn lan...khiến người tiêu dùng hoang mang trong thời gian dài. Việc ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng trước hết phải khẳng định quyền được bảo vệ của người tiêu dùng và những lợi ích hợp pháp của họ trong giai đoạn hiện nay khi người tiêu dùng, người cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng và các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa thông hiểu rõ vấn đề này là một vấn đề cần thiết, cấp bách. Ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng: Xây dựng Luật này là rất khó bởi phải cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Để bảo vệ người tiêu dùng phải có cơ chế pháp lý xử phạt hợp lý đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và cho cả doanh nghiệp. Bên cạnh bảo vệ người tiêu dùng thì cũng cần xem xét tới quyền lợi của doanh nghiệp, đặc biệt là trong những vụ tranh chấp kiện tụng, bởi trên thực tế cũng còn nhiều vụ kiện chưa được minh bạch.

 

Cần có một cái nhìn toàn diện hơn

 

“Để Luật Bảo vệ người tiêu dùng phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thì Dự thảo lần này cần được xem xét toàn diện hơn”, ông Vũ Xuân Tiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam góp ý. Theo ông Tiền, Dự thảo lần thứ tư cần bổ sung một trách nhiệm quan trọng của thương nhân là cung cấp cho người tiêu dùng các bằng chứng về cơ sở pháp lý của hàng hóa, dịch vụ do thương nhân kinh doanh. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đề cập tới trách nhiệm liên đới của bên thứ 3 khi cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh được rằng mình đã thực hiện tất cả các biện pháp theo qui định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác và đầy đủ của thông tin. Bởi vì, thời gian qua một số thông tin được đưa ra chưa đầy đủ đã gây hại nghiêm trọng tới quyền lợi của các nhà sản xuất và cả người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu thương nhân hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu đề nghị của người tiêu dùng, hoặc trong trường hợp phát hiện hợp đồng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng...

 

Theo ông Hoàng Văn Hạnh – đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì Dự thảo nên bổ sung một chương bảo vệ người sản xuất trong quá trình sản xuất, bởi dự thảo này đang hơi nghiêng về quyền lợi của người tiêu dùng. Muốn hoàn thành bộ luật này phải thăm dò rộng rãi ý kiến của giới thương nhân, các nhà quản lý, đông đảo người tiêu dùng để có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn.

 

 

Báo Văn Hóa Online

 

 

Tệp đính kèm