Cập nhật: 23/08/2009 17:12:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Thuốc kích thích, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau xanh, 3-MCPD trong nước tương, Sudan Red I-IV trong son môi, Urea, Clor, Chloramphenicol, Dipterex trong thuỷ hải sản… được phát hiện là những chất độc nguy hại tới sức khoẻ con người.

 

Gần đây nhất dư luận lo ngại về Melamin trong sữa, nước mắm…, những thực phẩm thiết yếu trong bữa cơm hàng ngày và liên quan đến sức khoẻ trẻ nhỏ - tương lai của đất nước. Vệ sinh an toàn thực phẩm đang gióng lên hồi chuông báo động hơn bao giờ!

 

Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), trong 6 tháng đầu năm 2009 trên toàn quốc xảy ra 72 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm 3.069 người mắc, 2.455 người đi viện và 29 người chết. Phân tích đặc điểm các vụ NĐTP trong 6 tháng năm 2009 cho thấy, 30/63 (47,6%) tỉnh, thành phố xảy ra các vụ NĐTP. Phân bố số vụ NĐTP xảy ra nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc 24 vụ (33,3% số vụ), ít nhất là các tỉnh Tây Nguyên xảy ra 3 vụ (4,2% số vụ).

 

Nguy hại từ bàn ăn gia đình đến bếp ăn tập thể

 

Theo con số thống kê, quy mô vụ NĐTP lớn (≥ 30 người mắc) chiếm 24 vụ (33,3% số vụ). Tỷ lệ vụ NĐTP xảy ra chủ yếu ở hộ gia đình 40 vụ (55,6% số vụ) với số mắc 486 người (chiếm 15,9% số mắc), số chết 28 người (chiếm 96,6% số chết), ở bếp ăn tập thể 15 vụ (chiếm 20,8% số vụ) với số mắc 1.919 người (chiếm 62,8% số mắc). Như vậy, số lượng mắc NĐTP chủ yếu ở loại hình NĐTP tại bếp ăn tập thể; số chết do NĐTP tập trung ở hộ gia đình, chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc 20 người (68,9% số người chết).

 

Nguyên nhân các vụ NĐTP do vi sinh vật chiếm 3 vụ (do E. Coli, Cl.Perfringens, Vibrio Cholera); do độc tố tự nhiên trong thực phẩm chiếm 14 vụ (do độc tố sam 1 vụ, độc tố nấm 11 vụ, 2 vụ do độc tố cóc), do thực phẩm bị biến chất 3 vụ (3 vụ do Histamin trong cá biển). Nguy cơ NĐTP vẫn do nguồn thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát an toàn triệt để trong sản xuất, chế biến, kinh doanh; nhận thức – hành vi không bảo đảm VSATTP của một bộ phận người tiêu dùng, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc. 

 

Mặc dù trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác giám sát để nắm chắc thông tin, diễn biến vụ NĐTP, nguy cơ NĐTP, đánh giá hiệu quả các biện pháp đã triển khai để dự báo tình hình, chủ động giải quyết kịp thời các "sự cố". Trong đó, nhiều doanh nghiệp xảy ra NĐTP tập thể đã đầu tư hàng trăm triệu đồng khắc phục triệt để những vi phạm có tính “bền vững” theo quy định để phòng như công ty Makalot (tỉnh Hải Dương), công ty Pousung (tỉnh Đồng Nai)... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian tới vẫn hiện hữu nhiều thách thức trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm đó là tình hình NĐTP chưa được kiểm soát có tính bền vững.

 

Sữa Dutchlady luôn được khách hàng tin dùng

 

 

 

Cần giải pháp đồng bộ

 

Theo các chuyên gia y tế, trong điều kiện nước ta còn hạn chế về các nguồn lực, vấn đề lựa chọn các giải pháp phù hợp trong từng lĩnh vực ưu tiên là đặc biệt cần thiết. Các giải pháp cần tập trung vào vấn đề NĐTP tại bếp ăn tập thể; tăng cường cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp; xã hội hoá hoạt động để huy động tối đa mọi nguồn lực trong nhiệm vụ bảo đảm VSATTP.

 

“Đêm hội vệ sinh an toàn thực phẩm” được Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành liên quan và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 24 tháng 8 tới được coi là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong cộng đồng, khẳng định vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại qua một hoạt động thiết thực và ý nghĩa, đó là ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Đại diện nhà tài trợ Kim cương –FRIESLANDCAPMINA VIỆT NAM - Nhãn sữa Duchlady cho rằng: Việc ký cam kết bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của các doanh nghiệp tham gia đêm hội An toàn vệ sinh thực phẩm lần này thể hiện ý thức và trách nhiệm cũng như cam kết của daonh nghiệp trước cộng đồng về sản phẩm của mình. Từ đó, người tiêu dùng nâng cao nhận thức, tự bảo vệ mình, đồng thời góp tiếng nói hiệu quả nhằm bài trừ những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” thiệt hại cho chính người tiêu dùng. Đồng thời góp phần phát động phong trào sâu rộng trong cộng đồng, để có một thị trường thức phẩm an toàn hơn đối với người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

 

Theo Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam có 200.000 người bị ung thư, trong đó con số tử vong lên tới 150.000 người. Về nguyên nhân dẫn đến ung thư, có khoảng 35% số bệnh nhân ung thư (tức là khoảng 70.000 người) được chẩn đoán mắc bệnh do những nguyên nhân liên quan tới việc sử dụng thực phẩm độc hại.

 

 

Theo HNM Online

Tệp đính kèm