Theo Cục Thú y, hơn tám tháng qua, dịch cúm gia cầm xảy ra ở 67 xã của 33 huyện thuộc 16 tỉnh, thành phố với gần 100 nghìn con gia cầm bị tiêu hủy. Còn dịch lở mồm long móng (LMLM) vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng lan rộng và dịch tai xanh vẫn rải rác ở những địa phương phát triển chăn nuôi hàng hóa.
Mỗi năm Nhà nước đầu tư một khoản kinh phí đáng kể nhằm ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng dịch vẫn liên tiếp xảy ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như, do quy mô ngành chăn nuôi của nước ta còn nhỏ, lẻ, chăn nuôi nông hộ nhiều. Nhiều hộ chăn nuôi thiếu ý thức phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm; chính quyền các cấp và các cơ quan một số nơi vẫn chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong phòng, chống dịch. Ðặc biệt, theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, việc tiêm phòng vắc-xin chưa triệt để, tiêm phòng không hiệu quả là nguyên nhân chủ yếu khiến các loại dịch liên tiếp xảy ra.
Tám tháng đầu năm nay, Cục Thú y đã cấp cho các địa phương gần 192 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm. Cả nước cũng đã kết thúc việc tiêm phòng đợt I cho đàn gia cầm. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, trong khi tỷ lệ tiêm phòng ở nhiều địa phương vẫn còn ở mức thấp, thì các công ty cung ứng vẫn tồn kho 22,5 triệu liều vắc-xin của đợt I-2009. Mặc dù vắc-xin không thiếu, thậm chí còn thừa, nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra nhiều (hơn 44,5% dịch xảy ra trên đàn gia cầm không tiêm phòng và các ổ dịch phát ra chủ yếu ở các hộ nuôi có quy mô dưới 2.000 con). Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người chăn nuôi vẫn chưa thật sự thấy rõ tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Có địa phương được cấp vắc-xin nhưng không tiêm ngay (với lý do chưa được duyệt công tiêm phòng). Lại có nơi tiêm phòng theo kiểu đối phó. Nhiều hộ chăn nuôi đến khi dịch bùng phát mới đi đăng ký tiêm phòng. Bên cạnh đó, việc thống kê số lượng và dự báo thời gian phát triển đàn gia cầm chưa chuẩn xác, cho nên xảy ra tình trạng nơi thì thừa, nơi lại thiếu vắc-xin.
Từ nay đến cuối năm là thời điểm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp. Ðể chủ động ngăn chặn dịch kịp thời, từng địa phương cần rà soát lại kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu, từ việc tuyên truyền đến bố trí lực lượng, vật tư và công tiêm cho đợt tiêm phòng đại trà lần 2 vào tháng 10, 11 tới. Cần tránh tình trạng tiêm phòng ồ ạt, hiệu quả không cao, lãng phí tiền của Nhà nước. Cần chú ý tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm tái đàn theo đúng quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc tổ chức tiêm phòng, sử dụng vắc-xin ở tuyến cơ sở, bảo đảm việc cấp vắc-xin chính xác theo nhu cầu của địa phương. Làm tốt công tác tiêm phòng không chỉ hạn chế được các ổ dịch cúm gia cầm, LMLM, mà còn góp phần ngăn chặn các loại dịch bệnh khác, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển và bảo đảm đời sống, thu nhập của người chăn nuôi.
Theo NhanDan Online