Cập nhật: 01/10/2009 23:50:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, tính đến sáng 30-9, bão số 9 đã làm 38 người chết, 10 người mất tích, 81 người bị thương, sập trôi 5.796 nhà, tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng 163.011 nhà, bị ngập 125.320 nhà, 215 phòng học bị hư hỏng, 12.269 trạm y tế, trụ sở UBND xã, phường, các công trình công cộng bị hư hỏng, 14.167 ha lúa và 7.443 ha ngô, mía bị giập đổ, 4.522 ha các loại hoa màu khác bị ngập, hư hại, 21.416 ha cây công nghiệp bị hư hại...

Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông, trong đó có đèo Lò Xo trên tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 7 (17 vị trí sạt lở), quốc lộ 45 (30 vị trí sạt lở), quốc lộ 15 nhiều đoạn tràn, cầu ngập sâu từ 1,5 đến 6 m. 186 công trình thủy lợi nhỏ, đập bị vỡ, hư hỏng, 66.550 m đê, kè, kênh mương bị trôi, hư hỏng, 116 tàu thuyền bị chìm, bị lật, 1.602 ao cá, tôm bị ngập, hư hại.

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, mực nước chiều 30-9 trên các sông Gianh, Kiến Giang, Thạch Hãn, Bồ, Hương, Vu Gia, Hàn, Thu Bồn, Trà Khúc, Vệ, Sê-rê-pốc đều vượt báo động 3 (BÐ3). Lũ sông La và sông Gianh tiếp tục lên; lũ các sông từ Quảng Trị đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Ðác Lắc tiếp tục xuống và còn ở mức cao. Hôm nay (1-10), lũ các sông từ nam Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và Ðác Lắc xuống mức BÐ2; riêng hạ lưu sông Thu Bồn và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị và Kon Tum còn dao động trên mức BÐ2. Cần tiếp tục đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu diện rộng ở đồng bằng, vùng trũng ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và Ðác Lắc.

 

Lực lượng vũ trang  chủ lực trong khắc phục hậu quả bão, lũ

 

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 5, Quân đoàn 3 tăng cường lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhân dân bị nước lũ cô lập tại bốn huyện: Ðác Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kon Rây (Kon Tum). Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và cán bộ các cơ quan quân khu trực tiếp đi chỉ đạo lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả sau bão. Quân khu 5 đã huy động 6.170 cán bộ, chiến sĩ thường trực cùng hàng trăm phương tiện ô-tô tải, xe ca, xe thiết giáp, xe kéo, máy húc, ca-nô, tàu thuyền... cứu giúp nhân dân.

 

 

Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) Ðà Nẵng phối hợp cùng địa phương di dời 26.187 người dân; Bộ CHQS Quảng Nam phối hợp cùng địa phương di dời 77.988 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; cơ quan quân sự quận Liên Chiểu, Ðà Nẵng cứu nạn xe khách chở 90 hành khách bị hỏng máy trong mưa bão tại nam đèo Hải Vân an toàn.

 

 

Quân chủng Phòng không-Không quân đã điều hai máy bay trực thăng phục vụ Ðoàn công tác của Chính phủ đi thị sát các khu vực trọng điểm. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tăng cường lực lượng, phương tiện đến các vị trí trọng yếu với tổng quân số 6.170 cán bộ, chiến sĩ; 32 ca-nô; 11 thuyền nhôm; 74 xe các loại. Trong đó, Ðoàn B15 huy động 1.000 cán bộ, chiến sĩ ứng phó cho tỉnh Quảng Ngãi. Tổ cứu hộ - cứu nạn Ðoàn Công binh H70 đã cứu được 15 người dân ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum huy động 547 cán bộ, chiến sĩ; 2 ca-nô và 5 ô-tô. Binh đoàn Tây Nguyên huy động 240 cán bộ, chiến sĩ; 3 xuồng các loại; 6 ô-tô, di dời được 86 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

 

Tại Thanh Hóa, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều 600 chiến sĩ của Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 về huyện Triệu Sơn thu hoạch lúa giúp dân... Các địa phương có diện tích lúa bị đổ, gãy đã huy động mọi lực lượng tham gia khắc phục bằng cách buộc lúa lại từng cụm để tránh ngâm nước lâu ảnh hưởng đến năng suất.

 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo lực lượng các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và Tây Nguyên tăng cường lực lượng phương tiện xuống địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm phối hợp cùng địa phương tổ chức di dời dân ở khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn - TKCN và giúp dân khắc phục hậu quả vệ sinh môi trường. BÐBP các tỉnh tiếp tục duy trì lực lượng gồm 2.795 chiến sĩ, 245 phương tiện các loại thường trực, cơ động ứng cứu, di dời dân.

 

BÐBP Quảng Nam đã tổ chức cứu nạn tàu Phương Mai 01/09 LÐ bị cày neo trôi dạt vào bãi Ông (Cù Lao Chàm), đưa chín thuyền viên của tàu lên bờ an toàn. Tại khu vực Tân Lập thuộc thôn 10, xã Tam Giang, có năm người (trong đó có một cụ già) ở trên các chòi canh nuôi trồng thủy sản bị kẹt chưa vào được bờ. BÐBP Quảng Nam cử  sáu chiến sĩ đưa được năm người vào bờ an toàn.  

 

BÐBP Gia Lai đã cử 27 chiến sĩ và hai ca-nô, kết hợp hai ca-nô của BCH quân sự tỉnh, Quân đoàn đến khu vực trạm kiểm soát Biên phòng Ia Bô cứu nạn. Ðến trưa 30-9,  lực lượng cứu nạn đã đưa được cả ba chiến sĩ của trạm đến nơi an toàn. Sáng  30-9, có khoảng 300 người dân của nước bạn Cam-pu-chia thuộc khu vực Ðồn Biên phòng 601 bị nước lũ gây ngập rất nguy hiểm, Ðồn 601 đề nghị phía Việt Nam giúp đỡ khẩn cấp. BÐBP Gia Lai cử lực lượng phối hợp Ðồn 601 di dời số người dân của nước bạn đến nơi an toàn.

 

Nhanh chóng thông đường, giải tỏa hành khách và khắc phục sự cố điện, mạng lưới viễn thông

 

Theo Cục Ðường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), đến 11 giờ ngày 30-9, nhiều công trình cầu, đường trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngập úng, sụt lở và hư hỏng, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 48 tỷ đồng. Trên quốc lộ 1 giao thông bị ách tắc, ngập sâu 0,4 - 0,6 m tại các vị trí K 887 đến K 888; hơn 700 cây tại các vị trí K 792 đến K 904 bị gãy, đổ. Cầu Quán Rớ trên quốc lộ 1 bị xói mố thượng lưu phía bắc, tại vị trí K 857 đến K 859 cũng xói lở ta-luy âm vào đến mép nhựa. Trên quốc lộ 49, ách tắc giao thông tại các vị trí K 5, K 7, K 10, K 20+500 ngập sâu 0,5 m; sạt lở khoảng 3.000 m3 ta-luy dương. Ðường Hồ Chí Minh nhánh đông sụt nhiều vị trí với khối lượng khoảng 45 nghìn m3 đất đá. Còn tại nhánh tây, ách tắc giao thông ở K 378+800, sạt ta-luy dương khoảng 3.600 m3. Tại quốc lộ 49B, từ km 1 đến km 12 ngập sâu nhiều đoạn từ 0,3 đến 1,1m, làm giao thông gián đoạn. Quốc lộ 46 bị sụt lở ta-luy dương với khối lượng khoảng 1.000 m3. Cầu Kon Brai trên quốc lộ 24 bị trôi ba nhịp cầu và gãy một trụ; đèo Măng Ðen tắc, bị sập một cống. Hầm Hải Vân mất điện, bị gãy hai trụ đèn chiếu sáng và 8 trụ đèn 250W, phải chạy máy phát. Cục Ðường bộ chỉ đạo các đơn vị tập trung hót đất đá sụt lở, làm rào chắn các đoạn ta-luy âm bị sạt, đắp đất hoàn trả nền mặt đường bị xói lở và làm kè đá để bảo vệ nền đường, trực 24/24 giờ tại các vị trí nguy hiểm.

 

Chiều 30-9, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam cho biết, dự kiến, đến khoảng 16 giờ hôm nay 1-10 sẽ thông toàn tuyến đường sắt bắc - nam và chạy ba đôi tàu là TN1, TN2; SE3, SE4 và SE5, SE6. Các tàu này sẽ không phải chuyển tải. Ngày 30-9, vẫn còn hai điểm trên tuyến đường sắt bắc - nam bị ngập tại vị trí K 801 thuộc địa phận TP Ðà Nẵng và K 908 thuộc địa phận tỉnh Bình Ðịnh. Trong ngày 30-9, ngành đường sắt đã chuyển tải cho 3.000 hành khách bị kẹt lại do bão.

 

Các địa phương ổn định đời sống nhân dân sau bão

 

Tại Quảng Bình, trưa 30-9, nước sông Kiến Giang vượt báo động 3, hơn 10.000 ngôi nhà dân bị ngập nước 0,5 - 1 m. Giao thông từ thành phố Ðồng Hới đến trung tâm huyện bị tắc từ sáng 30-9. Lũ tại huyện Quảng Ninh làm gần 7.000 ngôi nhà ngập sâu trong nước. Tại xã miền núi Trường Sơn (Quảng Ninh), gió làm sập một trường mầm non và 8 ngôi nhà của đồng bào dân tộc Vân Kiều, rất may không có thiệt hại về người. Từ chiều tối 29-9, lãnh đạo xã Trường Sơn và Ðồn biên phòng Làng Mô đã di dời 42 hộ (132 nhân khẩu) ở đây đến nơi an toàn.

 

Khoảng 9 giờ 30 phút sáng 30-9, một cơn lốc xoáy tràn qua trung tâm thành phố Ðồng Hới, làm sập 6 nhà và tốc mái gần 120 ngôi nhà ở các phường Hải Ðình, Ðức Ninh Ðông, Bắc Nghĩa, gãy đổ nhiều cây cối trên phố và làm chìm một tàu cá.

 

Ðại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, mưa bão trong hai ngày qua đã làm cho tuyến đường độc đạo vào vùng Rục bị ngập sâu 2 m với chiều dài 3 km. Ðồng bào Rục bị cô lập mấy ngày liền. Hiện ở đây  có 179 hộ đồng bào Rục, trong đó vùng bị cô lập có 153 hộ với 689 nhân khẩu. Rất may, Ðồn Biên phòng Cà Xèng đã chuyển vào đóng tại đây, dù bị cô lập nhưng bà con đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng.

 

Ðến chiều ngày 30-9, toàn tỉnh Quảng Trị đã có ba người chết, trong đó, thiếu tá Lê Văn Phượng,  Ban  Chỉ  huy Quân sự thị xã Quảng Trị hy sinh trong lúc cứu hộ. Ngoài ra, bão số 9 làm 20 người khác bị thương. Mưa lớn vẫn tiếp tục, mực nước trên các sông Hiếu, Thạch Hãn, Ô Lâu đều vượt trên báo động 3, gây lũ lớn ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, ÐakRông và Hướng Hóa, làm 45.390 nhà dân ngập trong nước (hơn 20.000 nhà ngập sâu từ 1 đến 3 mét); 610 trạm mất điện, 54 trường học, 3 trạm y tế bị sập đổ và tốc mái, hàng chục nghìn ha cây công nghiệp, cây ăn quả gãy đổ, thiệt hại  ước  tính  hàng chục tỷ đồng. Trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Trị nhiều đoạn bị ngập sâu, gần 1.000 xe ô-tô và hơn 1.500 hành khách kẹt lại trên đường, gây ách tắc giao thông tại năm đoạn gồm: Hiền Lương (Vĩnh Linh), Quán Ngang (Gio Linh), Triệu Giang, Ái Tử (Triệu Phong) và Mỹ Chánh (Hải Lăng), các tuyến đường liên xã, liên huyện đều bị ngập sâu từ 0,5 - 2 m. Chiều ngày 30-9, UBND tỉnh cử năm đoàn công tác về các vùng trọng điểm lũ chỉ đạo công tác phòng, chống lũ và cứu trợ 226.100 gói mì tôm cho người dân.

 

Ðến nay, nhiều tuyến đường ở TP Huế và các huyện Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Phú Vang, Phú Lộc vẫn bị ngập sâu, chia cắt giao thông, phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền. Gần 1.000 hành khách bị kẹt lại tại các ga tàu chưa thông đường được. Hiện nhiều vùng đang bị cô lập do mưa lũ, đặc biệt là huyện Phong Ðiền, các xã Phú Thanh, Phú Dương (Phú Vang). Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều thêm hai tiểu đoàn mang theo 132 nhà bạt, 1.112 áo phao và 56 tàu xuồng các loại giúp dân tại hai huyện Phong Ðiền và Quảng Ðiền đối phó mưa lũ. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương dự trữ bổ sung 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền.

 

Ðến chiều 30-9, toàn tỉnh có sáu người chết, 23 người bị thương. Mưa, lũ làm gần 3.000 căn nhà ngập, tốc mái, 151 nhà sập hoàn toàn. Nhiều tuyến đường xói lở nặng, nhất là đường Hồ Chí Minh, đoạn qua A Lưới sạt ta-luy dương hơn 2.200 m3 đất đá, tại km 323 đứt đoạn đường dài 15 m, làm ách tắc giao thông. Ước tính, tổng thiệt hại hơn 200 tỷ đồng. UBND tỉnh đã cấp cho mỗi huyện 10 tấn mì tôm giúp nhân dân cứu đói khi lũ ngập, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng đến các vùng bị nước cô lập, chia cắt di chuyển dân, giúp bà con dựng tạm nhà cửa. Ðồng thời, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gấp 500 tấn gạo cứu đói cho nhân dân vùng lụt, 500 tấn lúa giống và 100 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng và giúp nông dân khôi phục sản xuất.

 

Sáng 30-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 9 tại huyện Hòa Vang (Ðà Nẵng). Trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, Phó Thủ tướng chỉ đạo thành phố trước mắt lo ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn, khắc phục nhanh các thiệt hại và cần đề phòng lũ lớn hoàn lưu sau bão. Ðiện lực Ðà Nẵng huy động gần 200 công nhân khắc phục sự cố, nối đường dây, dựng lại các trụ điện gãy đổ, phục hồi trạm biến áp, đến nay cơ bản cấp lại toàn bộ điện cho thành phố. Công ty Môi trường và Ðô thị Ðà Nẵng huy động gần 900 công nhân dọn cây lá ngã đổ ngổn ngang và rác các loại trên đường phố Ðà Nẵng, đến trưa 30-9 đã di chuyển, dọn đổ được khoảng ba nghìn tấn rác các loại. Tuy nhiên, trong bão số 9, hàng loạt hệ thống thông tin di động tại Ðà Nẵng nghẽn mạch, chập chờn, hầu như không liên lạc được. Máy trực bão lũ phải sửa đến hai lần trước bão, đổi máy trong mưa bão đến hai lần, nhưng vẫn không liên lạc được. Mùa mưa bão miền trung mới bắt đầu, Viễn thông Ðà Nẵng, các mạng viễn thông khác cần có kế hoạch đối phó, góp phần trong công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa, lũ.

 

Tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức chín đoàn công tác về các địa phương trực tiếp chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 9, sớm ổn định cuộc sống cho người dân ở các vùng bị thiệt hại. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát lại tất cả những khu vực dân cư bị cô lập, nơi tập trung sơ tán, di dời có nguy cơ bị thiếu đói, kịp thời điều động lực lượng, phương tiện và lương thực, hàng hóa cứu trợ cho nhân dân; kiểm tra và thống kê cụ thể thiệt hại về người, tài sản để kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân; huy động lực lượng tại chỗ giúp dân trục vớt tàu thuyền bị chìm, sửa chữa nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.  UBND tỉnh vừa có văn bản kiến nghị Ban chỉ đạo PCLB T.Ư cấp cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh 2 ca-nô , 5.000 tấn gạo cứu đói và 100 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại mưa lũ.

 

 

Từ trưa ngày 29-9 đến trưa 30-9, hai đoàn tàu SE 2, SE 4 chở 564 hành khách vẫn mắc kẹt tại ga Quảng Ngãi. Nguyên nhân do đoạn đường sắt thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn bị sói lở dài hơn 25m. Ga Quảng Ngãi cho biết: Tàu SH 7 sẽ trung chuyển số hành khách mắc kẹt này từ ga Quảng Ngãi ra ga Tam Kỳ. Hôm nay (1-10), số hành khách này mới rời khỏi ga Quảng Ngãi. UBND TP Quảng Ngãi đã hỗ trợ cho mỗi hành khách nước khoáng và bánh ngọt.

 

Theo Ban chỉ huy PCLB Bình Ðịnh, đến chiều 30-9, bão số 9 làm sáu người chết, 29 người bị thương, sập đổ hơn 200 ngôi nhà, tốc mái, hư hỏng 6.184 nhà, 104 phòng học, 11 phòng y tế xã; gần 15 nghìn ha lúa, rau màu đổ ngã, 110 ha hồ nuôi tôm, cá bị ngập, sạt lở; 137 km đường dây điện đứt, 62 tàu thuyền chìm... với tổng thiệt hại ước 115 tỷ đồng... UBND tỉnh quyết định hỗ trợ tiền mai táng cho mỗi gia đình có người chết ba triệu đồng; người bị thương phải nằm viện một triệu đồng/người; tám triệu đồng/hộ có nhà sập hoàn toàn, năm triệu đồng/tàu chìm. Sáng 30-9, các cơ sở đoàn, đội ở tỉnh huy động hơn 10.000 đoàn viên, học sinh dọn vệ sinh môi trường, sửa chữa những nhà bị tốc mái do ảnh hưởng của bão cho người dân. Hội chữ thập đỏ tỉnh đưa 10 tấn gạo và 600 thùng mì tôm cứu trợ cho người dân vùng bị thiệt hại... UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh 2.000 tấn gạo để giúp các hộ thiếu ăn giáp hạt và 32 tỷ đồng mua giống giúp dân khôi phục sản xuất.

 

Tại tỉnh Ðác Nông, theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, tổng thiệt hại do bão số 9 gây ra ước tính 30 tỷ đồng. Theo Ðài khí tượng thủy văn tỉnh, Ðác Nông tiếp tục có mưa vừa; mực nước lũ trên các sông, suối còn tiếp tục tăng, riêng trên sông Krông Nô và Ea Krông do kết hợp với việc xả lũ của thủy điện Buôn Kuốp và Buôn Tua Sah nên khả năng gây ngập lụt ở vùng trũng thấp dọc sông Krông Nô lớn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang triển khai lực lượng xuống các điểm xảy ra lũ lụt giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở kiểm tra, theo dõi và nắm bắt tình hình tại các công trình, các khu vực xung yếu để có phương án bảo vệ an toàn. Các huyện Krông Nô, Tuy Ðức, Ðác Glong, Ðác Min, thị xã Gia Nghĩa di dời khẩn cấp các hộ gia đình đang sinh sống tại vùng nguy hiểm đến nơi an toàn...

 

 

Theo NhanDan Online

 

Tệp đính kèm