Cập nhật: 06/10/2009 22:12:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 5-10, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 20,0 độ vĩ bắc; 119,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 860 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo, bão số 10 di chuyển chậm theo hướng giữa nam đông nam và đông nam, mỗi giờ đi được khoảng 3 - 5 km. Ðến 19 giờ ngày 6-10, vị trí tâm bão vào khoảng 19,4 độ vĩ bắc, 120,1 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây bắc đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

 

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng giữa nam đông nam và nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Ðến 19 giờ ngày 7-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ vĩ bắc, 120,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây bắc đảo Lu-dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng nam tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Ðến 19 giờ ngày 8-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc, 119,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa 800 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Ðông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.

 

Do tác động của các yếu tố môi trường quanh bão, đặc biệt là tương tác với siêu bão Melor, hồi 19 giờ ngày 5-10 có vị trí ở vào khoảng 20,0 độ vĩ bắc; 133,6 độ kinh đông, cường độ cấp 17, nên diễn biến của bão số 10 còn có thể thay đổi khác với nhận định trên.

 

Chủ động phòng, tránh bão số 10, Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban quốc gia TKCN tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thực hiện Công điện số 48/CÐ-T.Ư ngày 3-10 và thường xuyên chuyển tải thông tin về diễn biến của bão số 10 tới các địa phương để các tỉnh theo dõi và chủ động triển khai các phương án phòng, chống. Bộ Công an có Công điện số 86 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố ven biển  từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và tỉnh Gia Lai, Kon Tum, yêu cầu triển khai các phương án đối phó bão số 10. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có Công điện chỉ đạo biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thông báo cho các tàu, thuyền biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng, tránh, kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền.

 

Theo Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến nay, Bộ đội Biên phòng tuyến biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã phối hợp chính quyền địa phương, ngành thủy sản, gia đình chủ tàu, thuyền hướng dẫn cho 1.445 tàu (11.285 lao động) đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động phòng, tránh. Trong đó, hoạt động ở khu vực bắc Biển Ðông và quần đảo Hoàng Sa có 21 tàu (296 lao động) của Quảng Ngãi; hoạt động ven bờ và các vùng biển khác (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) 1.424 tàu (10.989 lao động).

 

Theo báo cáo ban đầu của Bộ đội Biên phòng sáu tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, hiện nay các đơn vị bố trí 1.195 cán bộ, chiến sĩ, 80 phương tiện các loại thường trực sẵn sàng cùng các lực lượng và chính quyền địa phương tham gia ứng cứu, TKCN. Ðồng thời, chỉ đạo Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi thông báo kêu gọi 17 tàu cá của địa phương đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa di chuyển về bờ tránh bão số 10.

 

Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các quân, binh chủng và các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn bị thiệt hại do cơn bão số 9 phối hợp các lực lượng của địa phương giúp dân khắc phục hậu quả lũ, bão; Quân đoàn 3 sử dụng bốn xe ô-tô chở bảy tấn gạo cứu trợ hai huyện Kon Rẫy và Tu Mơ Rông (Kon Tum); Sư đoàn PK375, Quân chủng Phòng không không quân chở 1.500 thùng mì tôm cứu trợ cho nhân dân hai huyện Duy Xuyên và Ðại Lộc (Quảng Nam), đồng thời sửa chữa doanh trại, phương tiện tại các đơn vị bị thiệt hại sau bão, lũ để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống mới. Ngoài ra, lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục tham gia vận chuyển hàng cứu trợ, lương thực, thực phẩm, nước uống và các công việc khác để giúp dân khắc phục hậu quả sau bão, lũ, sớm ổn định đời sống và sản xuất.

 

Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các đơn vị trực thuộc về việc đối phó bão số 10 - bão Parma, và khắc phục hậu quả của cơn bão số 9. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc ngoài việc khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra tại các tỉnh miền trung, nhất là những cơ sở y tế để ổn định lại cơ sở làm việc, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, công tác phòng, chữa những bệnh thường phát sinh sau mưa lũ. Báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh đang bùng phát tại địa phương (nếu có).

 

Các đơn vị của Quân khu 5 đã huy động mỗi đơn vị từ 50 đến 130 cán bộ, chiến sĩ về giúp dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Gia Lai di dời về nơi ở cũ 80 hộ, dựng lại 78 nhà, sửa chữa 763 nhà, 67 trạm y tế bị hư hỏng... Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã quyết định trợ giúp mỗi nhà có người chết ba triệu đồng, bị thương một triệu đồng. Quyên góp trong bốn cơ quan Quân khu mỗi người một ngày lương, chiến sĩ mười nghìn đồng, tổng cộng được 103 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai.

 

Các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ cùng 30 ô-tô các loại tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 9 tại thành phố Hội An (Quảng Nam); các phường Hòa Quý, Hòa Xuân; các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Liên (TP Ðà Nẵng). Tàu HQ 628 và HQ 952 Vùng C cùng lực lượng cứu hộ của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam vẫn nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn lại của tàu Thành Minh (Thanh Hóa) bị bão số 9 đánh chìm tại khu vực Cù lao Chàm. Tàu Thành Minh có tám thuyền viên, lực lượng cứu hộ cứu được hai người và tìm thấy một thi thể.

 

Bộ Giao thông vận tải đã cử đoàn công tác tới các địa điểm bị thiệt hại do bão số 9. Theo đó, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường đối với các đơn vị Cục Ðường bộ Việt Nam, các Khu quản lý đường bộ IV, V; Sở Giao thông vận tải các tỉnh Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Gia Lai, Ðác Lắc, Quảng Nam, Quảng Ngãi... xử lý các đoạn đường bị hư hỏng, phấn đấu thông xe trong thời gian sớm nhất.

 

Ðoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc việc khôi phục công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra, bảo đảm điều kiện phục vụ sản xuất vụ đông 2009 - 2010 tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

 

Tỉnh Hà Tĩnh đã cấp cho các địa phương bị ngập lũ 700 kg thuốc Cloruafamin khử trùng xử lý môi trường sau lũ; huy động 200 dân quân tự vệ, 50 bộ đội, ba ô-tô, một máy cẩu, 100 rọ thép và 200 áo phao để ứng cứu xử lý khẩn cấp sạt lở kè Cẩm Nhượng. Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương sửa chữa, khôi phục hệ thống điện; sửa chữa trường học, trung tâm y tế, trạm cấp nước, đường giao thông, cầu, cống, công trình thủy lợi; hướng dẫn phân luồng giao thông; tổ chức canh gác tại những điểm bị sạt lở để hướng dẫn giao thông, thu gom rác, xử lý vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

 

Các Trung tâm Y tế dự phòng ở các huyện, thành phố tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương xử lý vệ sinh môi trường theo phương châm "nước rút đến đâu, xử lý đến đó". Toàn tỉnh có gần 14.000 giếng nước bị ngập, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, đang được Trung tâm Y tế dự phòng các huyện xử lý bằng hóa chất Cloramin B. Riêng tại các bản người Rục ở Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) vẫn đang bị cô lập với bên ngoài, lực lượng y tế dự phòng huyện chưa thể tiếp cận được với địa bàn nên chưa thể xử lý vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt bằng hóa chất.

 

Ngành y tế Thừa Thiên - Huế đã thành lập các đội chống dịch cơ động tham gia xử lý vệ sinh môi trường và chống dịch tại các huyện, thành phố. Ngành y tế đã cung cấp cho các huyện, thành phố 706 kg Cloramin B, cùng nhiều loại hóa chất khác để xử lý, vệ sinh môi trường, kiên quyết không để dịch bệnh xảy ra...

 

Từ ngày 1 đến 5-10, gần 100 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn huyện Hòa Vang (Ðà Nẵng) đã giúp hàng trăm hộ dân ở Hòa Châu, Hòa Liên, Hòa Khương sửa chữa nhà cửa, thu hoạch lúa hè thu, ổn định nơi ăn ở. Các đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải Ðà Nẵng huy động hết nhân lực và phương tiện sửa chữa những đoạn đường và cầu cống bị hư hại trong cơn bão số 9.  Mặc dù vậy, các điểm sạt lở trên đường ÐT 601 và ÐT 604 rất lớn và ở vị trí khó thi công, vì vậy nhanh nhất cũng phải sau ngày 18-10 mới có thể thông tuyến.

 

TP Ðà Nẵng đã huy động 291 cán bộ, chiến sĩ và 12 xe ô-tô thuộc Sư đoàn Phòng không 375 giúp dân khắc phục hậu quả trên địa bàn ba quận Hàng Sơn, Hòa Vang và Cẩm Lệ. Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương và các lực lượng công an, bộ đội đóng trên địa bàn thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình có người chết, người bị thương, mất nhà cửa; tổ chức cứu trợ, không để nhân dân bị đói; khôi phục các tuyến giao thông, thông tin liên lạc tới những vùng bị chia cắt.

 

Ðến sáng 5-10, tất cả các tuyến đường quốc lộ 24, tỉnh lộ, liên huyện của Quảng Ngãi đã thông tuyến. Ngành giao thông vận tải phối hợp các địa phương tập trung xử lý tạm thời các điểm bị sạt lở nặng tại các tuyến đường liên huyện, liên xã nhằm thông tuyến tạo điều kiện đi lại tạm thời cho nhân dân các vùng bị bão lũ, nhất là cho các đoàn cứu trợ trong và ngoài tỉnh đến được các vùng bị thiệt hại nặng.  Hiện, ngành giao thông vận tải Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sửa chữa cầu cống, nền đường bị sạt lở nặng tại các tuyến quốc lộ 24, 24B và các tuyến đường tỉnh; san ủi các điểm sạt lở nhằm thông tuyến đến các xã ở miền núi.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên, các tàu PY-70076TS và PY-2699TS  của ngư dân Phú Yên đã tiếp cận và ứng cứu được tàu PY-92143TS bị hỏng máy đang trôi tự do ngoài khơi. Hiện 12 thành viên trên tàu PY-92143TS đã được an toàn và vào đến đất liền ngày 5-10.

 

 

 Theo NhanDan Online

 

Tệp đính kèm