Cập nhật: 21/10/2009 21:31:24 Article Rating
Xem cỡ chữ

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, trong khi sốt xuất huyết ở miền Nam đang có xu hướng giảm thì ở miền Bắc dịch lại đang tăng cao với tích luỹ số bệnh nhân đã lên tới gần 7.000 ca

Quá tải trầm trọng        

Theo báo  cáo mới nhất của Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, dịch sốt xuất huyết  (SXH) có xu hướng giảm hơn so với các tuần trước nhưng vẫn đang ở mức cao. Trong số này, Hà Nội có 519 người mắc/tuần, TP HCM 270 trường hợp, Sóc Trăng 170, An Giang 151, Tiền Giang 144...

Theo báo cáo của các địa phương, đã có 2.298 người mắc SXH trong tuần, 3 người tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và TP HCM. Riêng tại Hà Nội, có đến 6.750 người mắc SXH tính từ đầu năm, đặc biệt tăng mạnh trong thời gian từ tháng 7 đến nay. So với cùng kỳ năm 2008, số ca mắc SXH tại Hà Nội đã tăng 14 lần.

Sở dĩ dịch bùng phát lớn như vậy, một phần do đã nhiều năm Hà Nội không có dịch; hơn nữa sự gia tăng của tốc độ xây dựng, mật độ dân số khiến các ổ dịch hình thành. Đến nay, tổng số bệnh nhân mắc SXH trên cả nước đã lên tới 55.000 ca, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2008.

Tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, hơn một tuần qua, số bệnh nhân đến khám vì SXH vẫn rất đông, trong đó đến 90% là ở Hà Nội. Các cơ sở y tế của Hà Nội cũng trong tình trạng quá tải nặng nề. Khoa Truyền nhiễm của các BV Xanh Pôn, Đống Đa, Thanh Nhàn... luôn có khoảng 200 bệnh nhân nằm viện, trong khi chỉ có 50 - 60 giường, dẫn đến bệnh nhân nằm ghép 3-4 người/giường, tràn lan ra các hành lang. Do quá đông bệnh nhân nên tình trạng thiếu tiểu cầu để truyền cho bệnh nhân đang rất trầm trọng.

BS Ý Nhi, Giám đốc BV Xanh Pôn cho biết, do bệnh nhân mắc SXH quá đông, nên BV phải ưu tiên truyền tiểu cầu cho những ca nặng. Những trường hợp nặng, nếu không có tiểu cầu phải vận động người nhà hiến máu để truyền. Hiện BV chỉ đủ chỗ cho các bệnh nhân nặng, còn các bệnh nhân nhẹ (tiểu cầu giảm ít) đành phải cho về nhà điều trị.

BV Đa khoa Hà Đông nhu cầu về tiểu cầu để điều trị SXH cũng tăng 4-5 lần. Mỗi ngày có khoảng 10-15 bệnh nhân cần được truyền tiểu cầu, nhưng BV chỉ được lấy khoảng 4 đơn vị tiểu cầu từ Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư và chỉ sử dụng cho những trường hợp bệnh quá nặng.

Xuất hiện virus gây bệnh lạ?

Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, trong tình hình dịch SXH đang lây lan rộng, nên rất có thể có những người mắc SXH 2 lần. TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư  cho biết, một người đã mắc SXH vẫn có thể tiếp tục mắc lại và bệnh có thể nặng hơn nếu nhiễm type virus khác so với lần đầu. (Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh là D1, D2, D3, D4.

Dịch SXH tại Hà Nội hiện nay do 2 loại virus là D1, D2 gây ra). Type D1 là type cổ điển, biểu hiện lâm sàng nhẹ như mệt mỏi đau cơ, nhức đầu mệt mỏi, xuất huyết ít, nhanh khỏi. Sau lần mắc này, trong người bệnh nhân sẽ có kháng thể với huyết thanh D1, nhưng bệnh nhân vẫn có thể mắc SXH do type huyết thanh khác. Lúc này, trong cơ thể tồn tại song song 2 loại kháng thể có thể xảy ra sự xung đột giữa 2 kháng thể, nên gây phản ứng tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, bệnh nhân choáng, xuất huyết, trụy tim mạch... Vì vậy, bệnh nhân có bệnh nặng hơn, gây khó khăn trong điều trị.

Theo thống kê, trong 6.750 trường hợp được coi là mắc SXH ở Hà Nội, 40% đã xác định được là do nhiễm virus Dengue, số còn lại chưa xác định được. Theo ông Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế, tại Hà Nội, đã bắt được cả loại muỗi Aedes albopictus, gây loại bệnh tương tự SXH, mấy năm nay xuất hiện nhiều trở lại ở các nước châu Á xung quanh Việt Nam như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore. 

Loại virus này có tên Chikungunya do muỗi Aedes albopictus truyền, gây loại bệnh cảnh tương tự SXH nhưng nhẹ hơn, vì thế người ta thường hay mất cảnh giác. Tuy nhiên, gần đây tại Ấn Độ đã có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tương tự SXH do virus Chikungunya tử vong. Theo ông Vũ Sinh Nam, rất khó xác định muỗi nào mang virus gây SXH, muỗi nào mang virus Chikungunya. Chỉ có thể xác định bệnh trên người bệnh. Trường hợp có bệnh cảnh tương tự SXH, nhưng thử huyết thanh không xác định được là SXH thì có thể nghĩ đến căn bệnh do Chikungunya.

Ông Nam cũng cho biết, trước đây Aedes albopictus mới là loại muỗi thường thấy ở khu vực miền Bắc. Nhưng từ những năm 1950, loài muỗi gây SXH sinh sôi nhiều đẩy loại muỗi Aedes albopictus vào rừng. Tuy nhiên gần đây lại thấy Aedes albopictus xuất hiện trở lại.

Bệnh SXH nguy hiểm ở ngày thứ 3-6

Bệnh SXH rất khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu bởi dấu hiệu lâm sàng không rõ ràng, giống như sốt thông thường. Bệnh nhân thường sốt cao đột ngột, 39- 40 độ C, kèm các triệu chứng như: Mệt mỏi, chán ăn, đau người, đau cơ, thường sau 2 - 3 ngày da mới xuất huyết hoặc phát ban. Tùy từng người mà bệnh diễn tiến nặng, nhẹ khác nhau. Với những người có biểu hiện nhẹ, chỉ sốt thì có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà, khi thấy dấu hiệu nặng hơn mới nhập viện.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, ở nhà, bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, ăn các chất dễ tiêu, đặc biệt uống nhiều nước để máu dễ lưu thông hơn, có thể uống oresol, nước cam, chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi... Với bệnh SXH thường nguy hiểm nhiều ở ngày thứ 3 - 6, người bệnh mệt lả đi, đi tiểu ít, tiểu cầu sụt giảm, xuất hiện nguy cơ chảy máu, sốc... cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để theo dõi chặt chẽ. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: Trụy mạch, sốc, chảy máu nội tạng, mất nhiều máu, nguy cơ tử vong rất cao...

 

Theo Giadinh.net

Tệp đính kèm