Để người thu nhập thấp mua được nhà, nhà nước có thể sử dụng phương thức hỗ trợ trực tiếp, cụ thể là ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay vốn.
Hôm qua, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng tình với chủ trương sửa luật để hỗ trợ, khuyến khích việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên, tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại những ưu đãi này không đến được đúng đối tượng.
Lo rơi vào tay người giàu
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP HCM) cho rằng, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, người lao động trong các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, cần phải tách bạch rõ hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng này với các hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh khác. Vấn đề là làm sao để tách bạch được các dự án “tránh việc lợi dụng để trốn thuế, ưu đãi của nhà nước không đến đúng đối tượng, không khéo lại rơi vào tay người giàu”- Ông Tùng nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thẳng thắn kiến nghị, không nên xem xét thông qua dự luật này. Chính phủ phải có sự tổng kết, đánh giá và đưa ra hướng giải quyết vấn đề một cách đồng bộ. Trường hợp nhà nước giảm thuế cho doanh nghiệp thì nhà nước hay doanh nghiệp ấn định giá bán nhà?
Đại biểu Trương Thị Ánh (TP HCM) cũng bày tỏ lo ngại, chính sách sẽ bị biến tướng. Chính phủ cần hết sức cẩn trọng khi ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật. Khi các chính sách trên đi vào cuộc sống, cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội, đối tượng được thụ hưởng… để chính sách không bị lợi dụng.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, luật ban hành phải đảm bảo tính khả thi. Bà Hường đặt vấn đề nếu tư nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê có được hưởng ưu đãi không, nếu có thì áp dụng cơ chế nào? Không làm rõ những vấn đề này sẽ không thế xã hội hoá được.
Bà Hường đề xuất, để khỏi lãng phí vốn nhà nước, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng nhà hợp lý chúng ta phải nắm được tổng cung, tổng cầu thì mới rót vốn, mới kêu gọi được doanh nghiệp tham gia.
Nên hỗ trợ vay vốn
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, chúng ta có nhiều cách để hỗ trợ khả thi và hiệu quả hơn là miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng, để người thu nhập thấp có thể mua được nhà.
“Nếu sử dụng công cụ thuế thì có hướng đến hai nhóm đối tượng là người mua nhà và người xây nhà hay không?”- Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) băn khoăn.
Ông Hòa cho rằng, đối với người mua nhà, nên áp dụng phương thức hỗ trợ trực tiếp. Cụ thể là ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay vốn để mua nhà ở, vì nhiều người thu nhập thấp không có đủ một khoản tiền lớn để mua nhà. Nên chăng có một quỹ phát triển nhà ở xã hội để cho người thu nhập thấp vay với lãi suất 0%, thời hạn vay 20- 30 năm.
Hỗ trợ trực tiếp như vậy thì sẽ không cần phải sửa luật thuế, bảo đảm sự ổn định của chính sách. Nhà nước cũng có thể điều tiết bằng chính sách khác, như ở các khu vực quy hoạch để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, thì giảm mạnh số tiền sử dụng đất để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
Theo Ngọc Tiến - TPOnline