Cập nhật: 09/11/2009 21:59:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng - một cơ hội lần đầu tiên chúng ta có trong lịch sử nhân khẩu học. Tuy nhiên, nắm bắt thời cơ như thế nào để tạo một bước đột phá và chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với giai đoạn dân số già lại đang là một thách thức đối với toàn xã hội.

“Cơ cấu dân số vàng”, tức là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc. Đây thực sự là một cơ hội “vàng” cho sự phát triển kinh tế. Trước đây, một người trong độ tuổi lao động phải lo cho một người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi và người trên 60 tuổi), “thời kỳ vàng” hiện nay thì hai người lao động chỉ phải lo cho một người phụ thuộc.

Những thách thức hiện hữu

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện nay, mỗi năm nước ta có khoảng 1,4 – 1,6 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động. Sự dồi dào của lực lượng này thực sự đang tạo ra cơ hội vàng cho sự phát triển kinh tế. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động vào sản xuất, điều tất yếu sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích luỹ lớn cho tương lai của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội khi nước ta bước vào giai đoạn “dân số già.”  Tuy nhiên, đồng hành với nó là những thách thức về việc làm, giáo dục và an sinh xã hội.

Theo ông Bruce Campbell - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Thế giới tại Việt Nam: “Thời kỳ dân số vàng sẽ là cơ hội nếu Việt Nam biết tranh thủ sử dụng của cải mà lực lượng lao động lớn này làm ra, để đầu tư cho giáo dục, y tế, đầu tư cho giới trẻ tức là đầu tư cho tương lai. Còn nếu không biết tận dụng cơ hội này, không đầu tư cho tương lai thì khi những thế hệ tương lai trưởng thành, họ sẽ không có việc làm kể cả khi họ di cư tìm việc. Lúc đó sẽ xảy ra một kịch bản rất nguy hiểm là các tệ nạn như bán dâm, ma tuý sẽ phát triển”.

Lực lượng lao động lớn đồng nghĩa nguy cơ thất nghiệp cao. Không đủ công ăn việc làm, cộng với tốc độ đô thị hoá, khiến rất đông lao động nông thôn di cư lên thành phố tìm việc. Kết quả điều tra dân số cho thấy, trong vòng 10 năm, tỷ lệ tăng dân số của thành thị là 3,4%, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn chỉ là 0,4%.

Không chỉ là vấn đề tạo công ăn việc làm, một thách thức khác, đó là chất lượng lao động của Việt Nam. Hiện Việt Nam có trên 25% số lao động được đào tạo, còn lại gần 75% là lao động giản đơn. Nguồn lao động chất lượng thấp sẽ không thể tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, tạo ra sức cạnh tranh tốt cho nền kinh tế.

Chia sẻ nhận định này, theo TS. Dương Quốc Trọng – Quyền Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) : Dân số “vàng” về số lượng người bước vào tuổi lao động sẽ không có giá trị nếu họ không “vàng” về tri thức, tay nghề. Nếu như lực lượng lao động dồi dào ở giai đoạn này không làm ra khối lượng của cải vật chất đủ để nuôi sống chính họ thì hậu quả sẽ kéo dài mãi về sau. Giá trị tích luỹ không có, hoặc thấp, Nhà nước sẽ không đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho phúc lợi xã hội khi “dân số già”.Mặt khác, tình trạng đô thị hoá ngày càng mạnh, nông dân mất đất, không tìm được việc làm phù hợp, đã phát sinh ra nhiều vấn đề xã hội nhức nhối.

Cơ hội phải được tận dụng

Theo các chuyên gia dân số, thời kỳ dân số vàng đóng góp một phần ba vào tăng trưởng của các nước châu Á có tăng trưởng thần kỳ về kinh tế như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thời kỳ này có khả năng kéo dài trong khoảng 30 năm (2010- 2040). Trong 10 năm tới (2011-2020), số người trong độ tuổi lao động sẽ tăng thêm trung bình khoảng 1 triệu người/năm. Do đó, việc nắm bắt cơ hội này để tạo nên một bước đột phá cho sự phát triển của đất nước đòi hỏi phải được tính toán một cách kỹ lưỡng và thấu đáo mọi mặt nếu không Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội và đi đến giai đoạn dân số già mà không hề có được một nền tảng vững chắc về kinh tế và an sinh xã hội.

Lao động có tay nghề cao sẽ giúp nước ta tận dụng được cơ hội "dân số vàng", Ảnh:Internet

Để nắm bắt được cơ hội vàng này, theo kinh nghiệm của các nước đã tận dụng tốt thời kỳ “dân số vàng” trước và trong suốt thời kỳ này, Việt Nam cần ban hành và thực hiện nhóm chính sách phù hợp về giáo dục và đào tạo; lao động, việc làm và nguồn nhân lực; chăm sóc y tế và an sinh xã hội.

Minh chứng cho việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo có vai trò cốt yếu trong việc tạo ra và tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ “dân số vàng”. PGS.TS Đặng Nguyên Anh - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Viện khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ: “Các chuyên gia trong nước và trên thế giới đều khẳng định, đầu tư cho giáo dục không bao giờ lỗ, luôn luôn có hiệu quả. Lao động được đào tạo tốt, có tay nghề, có kiến thức, dù làm việc trong nước hay xuất khẩu ra nước ngoài đều sinh lợi lớn”.

PGS.TS Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh: Philippines là một trong những quốc gia xuất khẩu lao động nhiều ở khu vực. Mỗi năm Philippines xuất khẩu gần 9 triệu lao động có tay nghề cao, trình độ tiếng Anh tốt. Ấn Độ cũng vậy, là một trong những nước có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tốt. Trong khi đó ở Việt Nam, lao động xuất khẩu chủ yếu do các công ty tư nhân đảm nhận. Họ muốn làm nhanh, thu lãi nhanh nên tập trung lao động, học tiếng vài ba tháng, rồi đưa ra nước ngoài. Kiểu “ăn xổi” thế cho kết quả là những lao động Việt Nam ra nước ngoài phần lớn chỉ làm công nhân, người giúp việc. Xuất khẩu lao động tri thức thấp là lãng phí tiềm năng.

Trước những lợi thế và khó khăn, thách thức của nguồn nhân lực, để không mất cơ hội trong thời kỳ dân số “vàng”, Việt Nam cần tập trung đào tạo có trọng điểm. Phải theo lợi thế vùng miền, tập trung đào tạo tại những khu vực, vùng miền có kinh tế năng động. Bên cạnh việc đào tạo nhân lực phải hoàn thiện thể chế và công cụ phục vụ thị trường lao động, hoàn thiện hệ thống thông tin, dự báo... tạo thị trường lao động lành mạnh.

Bên cạnh các biện pháp giải quyết ở tầm vĩ mô của các cấp quản lý thì mỗi lao động cần thấy rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong vấn đề chung của toàn xã hội. Tham gia học tập, đào tạo để nâng cao tri thức chuyên môn, nâng cao tay nghề là người lao động đã chủ động tự cứu mình trong bối cảnh hiện nay. Người lao động cần tạo ra nhiều nhất có thể giá trị tích luỹ, để đảm bảo chính cuộc sống của mình trong tương lai.Thống nhất quan điểm này, nhiều chuyên gia dân số cũng khẳng định: để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, trong khi chờ đợi nhiều lao động có tay nghề được đào tạo, chúng ta cần cố gắng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành có dung lượng lao động nhiều như dệt may, chế biến thực phẩm, dịch vụ... thu hút, tận dụng cơ hội lao động, giải quyết việc làm cho nhiều người.

Theo khuyến nghị của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, để thời kỳ dân số vàng có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, Việt Nam cần thực hiện nhóm chính sách về giáo dục và đào tạo gồm: Tăng cường nhân lực; Cải thiện chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động; Triển khai các chương trình về kỹ năng sống, hành vi, kiến thức xã hội cần thiết, đặc biệt là cho thanh niên./. 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm