Cập nhật: 10/11/2009 22:00:44 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hút thuốc lá – không chỉ bạn đang tự làm mình “nghèo”đi về sức khỏe, mà còn là con đường dẫn tới đói nghèo, không chỉ với bản thân mà còn với gia đình, cộng đồng và cả quốc gia.

Làm nghèo bản thân và gia đình

Nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, một người hút thuốc tiêu tốn cho thuốc lá số tiền tương ứng với 1/3 số tiền dành cho lương thực, bằng số tiền chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục.

Những con số cụ thể cho thấy, năm 1998, tổng số tiền người dân bỏ ra mua thuốc hút là hơn 5.000 tỷ đồng. Đến năm 2002, con số đó đã là 1.160 tỷ đồng và năm 2007 là 14 ngàn tỷ đồng.

Không chỉ tiêu tốn ngân sách gia đình, thuốc lá còn làm “nghèo” đi sức khỏe của người hút. Sử dụng thuốc lá đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp là yếu tố nguy cơ thứ hai trong số 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe doạ sức khoẻ người dân ở các nước đang phát triển.

Dự báo đến năm 2020, số người chết vì sử dụng thuốc lá trên thế giới nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại.

Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 ngàn ca chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Vào năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 70 ngàn ca/năm. Có nghĩa, mỗi ngày có hơn 100 người chết vì các bệnh do sử dụng thuốc lá.

Và như vậy, bên cạnh việc bỏ tiền mua thuốc hút, người nghiện thuốc lá còn phải bỏ tiền để chữa trị các loại bệnh do thuốc lá gây ra.

Làm nghèo quốc gia

Ngành công nghiệp thuốc lá tuy có những đóng góp nhất định cho ngân sách Nhà nước, song lại gây ra các gánh nặng về bệnh tật và những tổn thất nặng nề về kinh tế.

Kết quả nghiên cứu mới đây của Trường đại học Thương mại cho thấy: “Số việc làm trong ngành thuốc lá chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng số việc làm tại Việt Nam. Nếu số tiền từ việc tiêu dùng thuốc lá được dành cho các hàng hoá và dịch vụ khác thì tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng thêm 600 tỷ đồng và trong dài hạn, số việc làm mới được tạo ra từ các ngành nghề khác khoảng 50 ngàn việc làm”.

Ngoài ra, số tiền ngành y tế cũng phải chi ra mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng để điều trị bệnh tật cho khoảng một trăm ngàn người hút thuốc và cả những người thụ động phải tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc. Theo điều tra vừa công bố, có tới trên 70% trẻ em dưới năm tuổi sống trong các gia đình có người hút thuốc; trên 60% học sinh 13-15 tuổi thường xuyên phải hút thuốc thụ động tại nhà và trên 80% hút thuốc thụ động tại nơi công cộng.

Trong khói thuốc có hơn 4.000 chất hoá học, 69 chất trong số đó được coi là chất gây ung thư ở người. Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ đã xếp khói thuốc lá vào nhóm A trong bảng danh sách các chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 3.000 ca chết vì ung thư phổi do hút thuốc thụ động. Do đó, thuốc lá có thể gây ra tới 25 bệnh. Chỉ tính với 3 nhóm bệnh thường gặp ở những người hút thuốc là ung thư phối, vòm họng, các bệnh về tim mạch và hô hấp.. , ngành y tế Việt Nam phải chi phí khoảng trên 1.100 tỷ đồng mỗi năm.

Đối với người trồng thuốc lá, những lợi ích thu được từ việc trồng loại cây nguyên liệu này không thể bù đắp cho thiệt hại mà chính họ phải gánh chịu trong tương lai. Bởi thuốc lá là loại cây hấp thu nhiều chất dinh dưỡng trong đất hơn những loại cây lương thực và cây công nghiệp khác. Điều này khiến những nơi trồng nhiều cây thuốc lá thường có tình trạng đất chóng bạc màu, cằn cỗi, đặc biệt là những nơi trồng thuốc lá ở vùng đồi dốc.

Hơn nữa, để trồng thuốc lá, người nông dân phải sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ sâu và phân bón hoá học. Về lâu dài, việc sử dụng nhiều chất hoá học tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ người nông dân. Việc thường xuyên hái và tiếp xúc với cây thuốc lá có thể khiến người nông dân mắc hội chứng thuốc lá xanh (GTS), nhiễm độc nicotine do hấp thụ nicotine qua da.

Bên cạnh đó, thuốc lá còn là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường và gây ra nhiều vụ hỏa hoạn, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Những yếu tố này dẫn tới giảm năng suất LĐ; tăng chí phí chữa bệnh, chi phí xã hội; giảm chi cho thực phẩm, giáo dục, y tế… vừa trực tiếp, vừa gián tiếp làm thiết hại kinh tế cho xã hội.

Ví thế, nhiều tổ chức phát triển và các nhà tài trợ trên thế giới đã khuyến nghị "Chính phủ các quốc gia nên coi kiểm soát thuốc lá không chỉ là một ưu tiên trong lĩnh vực y tế công cộng mà còn là một vấn đề liên quan đến các lĩnh vực phát triển khác như KT-XH, môi trường...".

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm