Cập nhật: 14/11/2009 17:25:20 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phụ nữ là một nửa của thế giới, nhưng trên thực tế, một nửa của thế giới đã và đang tồn tại không phẳng lặng do những ám ảnh và nỗi đau mà bạo hành gia đình mang lại.

 

Phụ nữ chiếm 50,8% dân số Việt Nam, là 50% lực lượng lao động và họ đã góp một phần công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiện phụ nữ trên thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nạn bạo hành gia đình.

 

Theo điều tra gia đình ở Việt Nam năm 2006 (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc thực hiện) cứ 5 gia đình thì có 1 gia đình có một trong các hành vi bạo hành, như đánh, đe dọa tinh thần hoặc ép quan hệ tình dục. Điều đáng buồn nhất là hiện nay những con số đó đang ngày một tăng lên?

Khi có bạo lực, các cặp vợ chồng hiếm khi nhờ đến sự can thiệp của cha mẹ, bạn bè hoặc chính quyền vì họ sợ mất mặt hoặc không muốn "vạch áo cho người xem lưng". Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn đang tiếp diễn ở mọi vùng miền, từ nông thôn đến thành thị, mọi gia đình có thu nhập khác nhau mà nhiều tổ chức chính quyền không thể can thiệp, ngăn cản. Nạn nhân của hành vi bạo lực trong gia đình không chỉ là bản thân người phụ nữ mà còn cả trẻ em. Khi trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực gia đình của bố mẹ thì chúng luôn có tâm trạng buồn phiền và lo sợ, không tôn trọng bố mẹ, thậm chí một số trẻ muốn bỏ nhà để thoát khỏi tình trạng bạo lực hằng ngày.

 

Thời gian gần đây, báo chí đã tốn không ít giấy mực để phản ánh, lên án các cuộc bạo hành gia đình, có nghĩa là nạn bạo hành gia đình đang ngày một gia tăng trong xã hội.

 

Thật không thể tưởng tượng rằng người anh trai và 2 cháu ruột đã đánh dã man bà Nguyễn Thị Thanh (50 tuổi, trú Xuân Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình). Hậu quả của hành động bạo lực này là bà Thanh đã chết tại bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới - Quảng Bình) vào ngày 24.2.2009 với nhiều vết thương trầm trọng vùng sọ não. Căn nguyên của vụ án mạng chỉ xuất phát từ vụ tranh chấp đất đai trong gia đình.

 

Dư luận chưa hết xôn xao về vụ án trên thì chiều tối ngày 31.5.2009, chị Nguyễn Thị Lưu (33 tuổi) ở xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị chồng là Nguyễn Văn Doanh (34 tuổi) chửi bới, đánh đập chỉ vì "tội" đi cắt lúa hộ cho chính người chị ruột của Doanh đang bị ốm nặng và còn "rộng tay" biếu chị này 200.000 đồng để bồi dưỡng sức khỏe. Chưa dừng lại ở đó, tối cùng ngày, Doanh chở vợ về nhà ông bà ngoại và tiếp tục dạy dỗ bằng những lời mắng chửi và đe dọa giết chết. Đến gần 23h đêm, chị Lưu đã tự tử tại nhà.

 

Gần đây nhất, ma men dẫn lối, chồng dùng cốc ném chết vợ vì tranh giành "quyền" xem ti vi. Sự việc thương tâm xảy ra ở xóm 7, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Theo lời của một số nhân chứng thì khoảng lúc 20h tối 1.11.2009, anh Phan Sỹ Ngọc (SN 1959) cùng vợ là chị Hồ Thị Sâm (SN 1964) đều trú tại xóm 7, xã Nam Giang đang ngồi xem ti vi, vì mỗi người một sở thích nên đã có sự giằng co, lời qua tiếng lại. Sẵn có men rượu trong người nên anh Ngọc đã không tự chủ được hành động của mình, lao vào đánh vợ. Không dừng lại ở đó, anh Ngọc còn kịp vớ được chiếc cốc trên bàn và ném về phía chị Sâm tạo nên 2 vết thương sâu trên trán và chảy máu nhiều. Lúc này chị Sâm mới ôm đầu chạy và kêu cứu. Sau khi được đưa xuống bệnh viện Đa khoa Nghệ An cấp cứu, các bác sỹ đã hội chẩn và kết luận vết thương quá nặng và cho gia đình đưa đi bệnh viện tuyến trên. Tuy vậy, chị Sâm đã tử vong vào lúc 4h sáng ngày 2.11 trên đường ra bệnh viện Hà Nội. Một số người dân trong xóm cho biết thêm, việc anh Ngọc đánh đập vợ xảy ra thường xuyên nhưng vì thương con nên chị Sâm không dám hé nửa lời với ai.

 

Chính vì sự thiếu hiểu biết về luật bình đẳng giới nên nhiều người phụ nữ đã cam chịu để rồi tự mình gánh lấy kết cục bi thảm. Từ những cái chết oan nghiệt trên đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh đến tất cả những người phụ nữ đang phải chịu thiệt thòi về quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền hạnh phúc.

 

                                   

 

Theo Đời Sống Pháp Luật

Tệp đính kèm