Cập nhật: 18/11/2009 21:27:47 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, bộ phận không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống các tỉnh phía bắc và tràn sâu xuống các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các tỉnh phía bắc trời rét, có nơi rét đậm, nhiệt độ ban đêm vùng núi đã xuống 9-10oC.

Các chuyên gia cho biết, đợt rét này ở các tỉnh phía bắc còn kéo dài khoảng 10 ngày nữa. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm đã quay trở lại, dịch lở mồm long móng gia súc tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi của bà con.  Ðợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 đã làm 200 nghìn con trâu, bò chết đói, chết rét, gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế địa phương và thu nhập của người nông dân.

 

Vì vậy, để chủ động phòng cho đàn gia súc, gia cầm không bị chết vì đói, rét, vì dịch bệnh, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh và chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Thứ nhất, cần tích cực che chắn, giữ ấm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc, gia cầm, nhất là đối với trâu bò, bê nghé trong những ngày giá rét; kiên quyết chấm dứt tình trạng thả rông trâu, bò ngoài rừng, cột gia súc ngoài trời qua đêm; không bắt trâu, bò làm việc trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 12oC và những ngày rét đậm kéo dài; chuẩn bị đầy đủ vật liệu làm áo khoác cho trâu, bò, rơm rạ khô rải nền chuồng, trấu củi để đốt, giữ ấm cho gia súc, gia cầm khi cần thiết.  Thứ hai, khẩn trương chuẩn bị nguồn thức ăn cho trâu, bò,  tận dụng rơm rạ, cây ngô đông, cắt cỏ ngoài tự nhiên để phơi khô hoặc ủ chua; chuẩn bị sẵn lượng thức ăn tinh như ngô, sắn, muối, các chất khoáng để dành làm thức ăn cho trâu, bò trong những ngày giá rét, không có điều kiện chăn thả ngoài đồng. Mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò cần có cây rơm, cỏ khô; bảo đảm cho mỗi trâu, bò có được 1,0 - 1,2 tấn thức ăn khô, ủ chua dự trữ, để sử dụng trong vụ đông. Thứ ba, tích cực hoàn thành kế hoạch tiêm phòng các bệnh nguy hiểm, nhất là các bệnh: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, nhiệt thán, tai xanh... đồng thời cử cán bộ, nhân viên thú y xuống các địa bàn trọng điểm để theo dõi, nắm chắc tình hình đàn gia súc, gia cầm; phối hợp các cơ quan khí tượng thủy văn, cập nhật, nắm chắc và thông báo kịp thời, thường xuyên về diễn biến thời tiết, khí hậu xảy ra trên địa bàn  để người chăn nuôi biết chủ động phòng, chống.

 

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần chủ động nguồn kinh phí và có giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời cho công tác phòng, chống rét, dịch bệnh, nhất là đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 

Theo NhanDan Online

Tệp đính kèm