Cập nhật: 24/11/2009 22:29:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ra Chỉ thị số 3764/CT-BNN-CN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương có kế hoạch cụ thể phòng chống dịch bệnh và đói, rét cho vật nuôi trong vụ đông xuân 2009 - 2010.

Theo đó, các tỉnh, thành phố hướng dẫn người chăn nuôi che chắn, củng cố chuồng trại, đảm bảo điều kiện vệ sinh và phòng chống rét; chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm, yêu cầu mỗi gia đình có một cây rơm, rạ trên cơ sở ước tính bình quân mỗi trâu, bò một ngày phải có 5-7 kg rơm, rạ khô; trồng cỏ, ngô dày trên diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất hoang; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến dưới nhiều hình thức để dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa khô và mùa đông. Những ngày giá rét phải thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để chuẩn bị và chủ động chỉ đạo phòng chống đói, rét kịp thời. Khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, nông dân không sử dụng gia súc làm việc hoặc cày, kéo; không chăn thả trâu bò, dê, ngựa ngoài đồng, bãi; bổ sung cho gia súc thức ăn tinh và cho uống nước ấm; di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao; đưa trâu, bò thả rông về chỗ nuôi nhốt và có thể kiểm soát được; cho ăn bổ sung thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, diễn biến thời tiết, khí hậu ở nước ta rất bất thường. Lũ lụt, rét đậm, rét hại kéo dài và dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi cả nước. Năm 2008 đã xảy ra đợt rét đậm kéo dài làm chết số lượng lớn gia súc ở các địa phương miền núi, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi và nông dân. Nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên còn do người chăn nuôi thiếu sự chuẩn bị và chưa thực hiện kịp thời các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, nhất là thức ăn và chuồng trại.

 

* Hà Nội đang ráo riết chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, sử dụng gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm chưa kiểm dịch, nhập lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của Pháp lệnh Thú y. Theo đó, Chi cục Thú y Hà Nội sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Trung tâm Y tế dự phòng và Cảnh sát Giao thông thành phố tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đặc biệt phải củng cố, kiện toàn các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa phương và cơ sở. Đồng thời rà soát và tổ chức tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2009 cho toàn bộ đàn gia súc, gia cầm thuộc đối tượng tiêm vắc xin phòng bệnh; chuẩn bị đủ vật tư, hoá chất phục vụ Tháng phát động tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên địa bàn thành phố vào tháng 12/2009.

 

* Ninh Bình: Ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đang chỉ đạo Chi cục thú y phối hợp với các huyện, thị xã trong tỉnh triển khai việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong vụ đông, tổ chức tháng vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại, các khu vực chăn nuôi không để dịch bệnh lây lan. Bước vào vụ thu đông, Chi cục thú y đã triển khai tiêm phòng vắc - xin chống bệnh lở mồm long móng cho hơn 95% tổng đàn trâu bò, tiêm phòng vắc - xin các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng trên đàn lợn đạt hơn 36%, tiêm phòng cúm gia cầm mũi 2 đật gần 70% tổng đàn. Tuy nhiên, việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ở một số nơi như thành phố Ninh Bình, huyện Gia Viễn, Nho Quan còn thấp, nhất là ở những xã vùng xa, có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm đúng mức đến việch phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, việc thống kê đàn gia súc, gia cầm thường căn cứ vào các đợt tiêm phòng trước để lập kế hoạch cho các đợt sau, không sát thực tế, dẫn đến việc cung ứng thuốc thú y, các loại vắc - xin không chính xác. Theo kế hoạch tiêm phòng cả vụ thu đông cần tiêm phòng cho 996.000 con gia súc, gia cầm, nhưng thực tế phải tiêm là hơn 1,3 triệu con, dẫn đến thiếu vắc - xin cho việc tiêm phòng. Khắc phục những khó khăn trên, Chi cục thú y tỉnh đã triển khai việc thống kê tổng đàn, nắm chắc số lượng gia súc, gia cầm để có kế hoạch tiêm bổ sung trong thồi gian tới. UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các huyện, thị có tỷ lệ tiêm phòng thấp phải chủ động bố trí lịch tiêm phòng xong trong tháng 11/2009...

 

* Bắc Kạn: Những ngày trước và trong đợt rét đậm, rét hại, nông dân trong tỉnh Bắc Kạn đã chủ động phòng chống rét cho cây trồng vật nuôi bằng phương pháp khoa học và truyền thống như: hòa phân lân với nước giải pha loãng để tưới cho ngô đông và đốt lửa xua sương vào ban đêm và buổi sáng. Phun thuốc Booc đo và tưới nước giếng nhằm phòng bệnh mốc sương cho khoai tây. Tạo mái che chắn sương hoặc phủ ni lon vào ban đêm đối với cây thuốc lá và vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Phủ nhẹ lớp tro của cỏ hoặc rơm rạ và tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho mạ. Không gieo mạ khi nhiệt độ dưới 15 độ C, áp dụng phương pháp làm mạ nền, mạ khay, chuẩn bị đủ lượng ni lon để che phủ toàn bộ diện tích mạ tại mỗi gia đình. Còn với vật nuôi như: trâu, bò, ngựa, dê, gà, lợn thì dùng vách bằng tre nứa lá lợp kín tất cả chuồng trại, vệ sinh để giữ nền chuồng sạch sẽ khô ráo và lót ấm chỗ nằm bằng rơm rạ cỏ khô. Không chăn thả rông trâu, bò trên núi, những ngày giá lạnh nuôi nhốt tại chuồng để bảo vệ sức khoẻ cho gia súc. Riêng trâu bò còn nhỏ việc chăm sóc cầu kỳ hơn như đốt lửa sưởi, đeo bao tải che lạnh....Do có sự phổ biến kỹ thuật chống rét cho bà con ngay từ đầu vụ, nên những ngày qua tại Bắc Kạn có rét đậm, rét hại tại các thôn bản gần núi đá, nhưng không gây thiệt hại cho bà con.

 

* Lạng Sơn: Nhiệt độ xuống thấp từ 5 đến 10 độ vào ban đêm ở Lạng Sơn đã keó dài từ ngày 15/11, nhưng đến ngày 19/11, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết chưa có địa phương hoặc đơn vị cơ sở trực thuộc ngành báo cáo có trâu, bò chết trong 5 ngày rét đậm vừa qua. Trước đó, Sở đã có sự chỉ đạo về phòng chống rét cho đàn gia súc; khắc phục thời tiết khô hạn; kiên quyết chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ đông xuân tới... Vụ sản xuất lúa mùa vừa qua do nguồn nước đầu nguồn thiếu, các công trình thuỷ lợi không phát huy hiệu quả, khâu áp dụng kỹ thuật chưa phù hợp đã tác động không nhỏ đến năng suất lúa mùa tại nhiều địa phương như huyện Văn Quan, Lộc Bình...Nhiều nơi không gieo cấy lúa mùa sớm, giống ngắn ngày, giống chịu hạn...do đó không chủ động được thời vụ của vụ mùa, không thâm canh tăng năng suất và tăng vụ gieo trồng. Ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lạng Sơn đã rút kinh nghiệm là: Tích nước cho sản xuất vụ đông xuân; làm thuỷ lợi ngay từ những ngày đầu vụ thay vì phong trào ra quân làm thuỷ lợi những ngày đầu xuân như trước đây; chuẩn bị đủ giống lúa lai ngắn ngày như NS1, Sin6, giống chịu hạn cho diện tích không chủ động được nước tưới; đặc biệt là rút ngắn thời gian sản xuất của các cây vụ đông xuân để không làm ảnh hưởng tới thời gian gieo cấy vụ mùa năm 2010.

 

* Đồng Tháp: Các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện Tháng tiêu độc khử trùng trong tháng 11/2009 làm sạch môi trường, giảm mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trước khi nước lũ rút. Đồng thờ, tỉnh tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển nội địa, khu vực biên giới các loại gia súc, gia cầm; nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc và sản phẩm gia súc tại vùng có dịch. Chi cục Thú y đã cấp phát 244 lít Bencocid để nông dân khử trùng chuồng trại Ngành thú y tiêm xong vắc - xin phòng bệnh đợt II trên đàn gia súc, gia cầm đạt trên 83% đối với gà, hơn 90% đối với vịt; tiêm phòng bổ sung khi nước lũ rút cho cho hơn 18 ngàn con gà, 838 ngàn con vịt; tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho hơn 35 ngàn con lợn, 8.522 con trâu ,bò. Bên cạnh các địa phương tổ chức tốt cho bà con đăng ký nuôi vịt chạy đồng và cấp 1.667 sổ. Do làm tốt công tác tiêm phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho nên trong tỉnh Đồng Tháp hiện nay không có phát sinh ổ dịch bệnh nguy hiểm. Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng vắc - xin lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả lợn trong năm 2009 phấn đấu đạt 100% tổng đàn.

 

* Điện Biên: Tỉnh Điện Biên huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để khoanh vùng và dập dịch cúm gia cầm (H5N1) vừa xẩy ra tại hai xã Thanh Yên và Noong Luống, huyện Điện Biên. Tại hai xã có dịch này, tỉnh lập các chốt kiểm dịch tạm thời do xã phối hợp với các trạm thú y thực hiện bao vây, khống chế dịch đồng thời ngăn chặn triệt để tình trạng đưa gia cầm ra khỏi vùng có dịch đi tiêu thụ. Tỉnh cũng đã thành lập 1 đội kiểm dịch cơ động, 3 chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ chính với sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng nhằm kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông, buôn bán vận chuyển, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tỉnh tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng và chống dịch bệnh cho gia cầm... Trước đó, từ ngày 21 đến 23/10, tại 9 hộ chăn nuôi ở đội 12 xã Noong Luống và Thanh Yên, huyện Điện Biên có xuất hiện một số gia cầm bị chết không rõ nguyên nhân. Chi cục Thú y tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và cho kết quả có 6/10 mẫu bệnh dương tính với cúm A H5N1. Đến thời điểm này, tại các ổ dịch ở 2 xã trên số gia cầm bị chết và được đưa đi tiêu huỷ là gần 3.000 con. Chi cục thú y tỉnh đã tẩy uế, khử trùng tiêu độc ở các khu vực có dịch.

 

* Phú Yên: Dịch lở mồm long móng (LMLM) trên bò đang bùng phát tại xã EaBia thuộc huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) với 115 con mắc bệnh, trong đó buôn Dành B có 110 con và buôn Dành A có 5 con. Trạm thú y huyện Sông Hinh đã phối hợp cùng các ngành chức năng cấm vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch, đồng thời phun thuốc tiêu độc, khử trùng môi trường toàn bộ 82 thôn, buôn, khu phố trên địa bàn huyện. Huyện Sông Hinh có gần 30.000 con bò, nhưng hàng năm tỉ lệ tiêm phòng vắc xin LMLM chỉ đạt từ 50% đến 60%. Nhiều thôn, buôn có tỉ lệ tiêm phòng chỉ đạt 7% đến 30% tổng đàn, trong đó có buôn Dành A và B thuộc xã EaBia. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp như tập quán chăn thả rông bò đàn trên núi của đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều người chờ dịch LMLM xảy ra để mua bò với giá thấp rồi chữa trị và bán lại với giá cao…

 

* Tiền Giang: Theo ông Lê Minh Khánh, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang: Qua lấy 4 mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân lợn bị bệnh chết ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), đã cho kết luận là do bị bệnh tai xanh. Ông Ngô Hữu Thệ, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, hiện bệnh tai xanh trên đàn lợn ở xã Quơn Long đã được khống chế. Khoảng một tuần nay trên địa bàn xã không phát sinh dịch bệnh. Để hạn chế dịch lây lan, ngành thú y đã tổ chức cấp phát thuốc tiêu độc sát trùng cho các hộ có lợn bị bệnh ở xã Quơn Long và các xã lân cận trên địa bàn huyện để phun xịt vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Nhờ tập trung thực hiện các biện pháp khống chế dịch, hiện số lợn bị nhiễm bệnh đã giảm đáng kể và không còn lây lan như trước. Đến nay, chỉ còn 7 hộ có lợn bị bệnh, với số lượng 73 con. Địa phương đã lập danh sách và sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn bị bệnh, đồng thời hỗ trợ cho hộ có lợn bị tiêu hủy theo qui định.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm