Cập nhật: 30/11/2009 17:35:52 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để tăng giá trị hạt gạo Việt Nam cần phát triển theo hướng công nghiệp hóa sản phẩm. Tại hội thảo quốc tế “Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu và hội nhập” tổ chức tại Hậu Giang ngày 29.11, nhiều chuyên gia nước ngoài cho đây là một hướng đi hợp lý.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nói: “Là nước thứ hai về xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng phần đông nông dân vẫn còn nghèo. Muốn nâng cao giá trị hạt gạo cần công nghiệp hóa nông nghiệp. Thay việc xuất khẩu những sản phẩm gạo đơn thuần bằng những sản phẩm đã qua tinh chế”. Ông Herby Neubacher - Cố vấn cao cấp của các tập đoàn truyền thông chuyên ngành lương thực và thực phẩm châu Âu tại VN - khẳng định: “Nếu Việt Nam phát triển lúa gạo theo hướng sản phẩm tinh chế thì sẽ rất hiệu quả. Làm được như vậy thì Việt Nam có thể bán được sản phẩm của mình theo giá mà mình quy định chứ không phải chạy theo giá cả thị trường như hiện nay”. Theo ông Herby Neubacher, giá gạo ở Việt Nam trung bình 15 ngàn đồng/kg (chưa tới 1 USD) trong khi ở châu Âu là 5 USD/kg. Vì vậy Việt Nam phải nghĩ tới việc tìm cách bán được sản phẩm của mình như giá ở châu Âu.

 

Nhận diện điểm yếu của sản phẩm gạo Việt Nam, ông Abhishek Sahai, Phó chủ tịch Ban điều phối gạo Tập đoàn OLAM, nói: “Gạo Việt Nam rất ngon nhưng nhìn vào bao bì thì giống như một cô gái đẹp bị nhốt trong một ngôi nhà kín cổng cao tường. Vì vậy, một trong những vấn đề cụ thể và đơn giản là cải thiện chất lượng bao bì. Cần tạo một quy cách đóng gói và không được thay đổi. Ở khâu này, người Thái làm tốt hơn Việt Nam rất nhiều”.

 

Ông Richard Moore, chuyên gia về thương hiệu, cho biết: Giá gạo liên quan đến chất lượng gạo và phương cách giao hàng. Nâng cao giá trị hạt gạo cần sự đầu tư lớn về tiếp thị, bao bì và bán hàng. Thái Lan làm thương hiệu rất tốt, nên họ vẫn là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới và giá trị luôn cao hơn Việt Nam. Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thế giới là chọn lựa tập trung vào sản phẩm có thương hiệu được phổ biến rộng rãi và tạo được cảm xúc trong lòng khách hàng. Nếu không có thương hiệu sẽ chịu thiệt nhất định khi chen chân vào thị trường xuất khẩu. Trong tạo dựng thương hiệu ngoài bao bì, đóng gói bắt mắt, chất lượng phải đảm bảo bằng cam kết thiết thực và tạo được cảm xúc với khách hàng thì gạo Việt Nam sẽ có vị trí vững chắc hơn.

 

Hạt gạo Việt Nam hiện qua nhiều khâu trung gian, cần rút ngắn khoảng cách này để tiền phải chảy vào túi nông dân chứ không thể ở khâu trung gian, như vậy mới kích thích sản xuất và tiêu thụ của các ngành khác.

Hiện nay, gạo VN xuất khẩu với những cái tên rất đơn giản như “Gạo trắng Việt Nam”, cái tên rất nhạt nhẽo. Phải nghĩ đến hạt gạo VN xanh, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phải mạnh dạn cho thế giới biết gạo này đến từ VN. Xây dựng thương hiệu bắt đầu từ vùng lúa của VN là ĐBSCL. Tôi nghĩ rằng, thế giới biết đến cái tên vùng đồng bằng Mekong nhiều hơn, họ biết hình ảnh người dân đi lại bằng xuồng ba lá, cần cù lao động... Gạo VN cần nói cho thế giới biết tên của mình và được xuất xứ từ đâu. Khi có thương hiệu, hạt gạo của VN sẽ đủ sức cạnh tranh với đối thủ cạnh tranh lớn.

 

(Ông Herby Neubacher - Cố vấn cao cấp của các tập đoàn truyền thông chuyên ngành lương thực và thực phẩm châu Âu tại VN)

 

 

 

Theo Chí Nhân – TN Online

Tệp đính kèm