Miền Bắc đang đứng trước nguy cơ đại hạn bởi lượng mưa năm nay thấp và mùa mưa kết thúc sớm. Mực nước tại các con sông chính đã xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Nước tích trữ tại các hồ chứa cũng chỉ còn rất ít.
Hiện mới chỉ có 2/17 hồ thủy lợi vừa và lớn tại 8 tỉnh miền Bắc tích đủ nước tưới, 15 hồ còn lại chỉ tích được hơn 80% dung tích, thậm chí, nhiều hồ mực nước xuống quá thấp, chỉ còn 34 - 57%...
Mặt khác, do hệ thống thủy lợi của miền Bắc được xây dựng từ lâu, miệng cống thiết kế quá cao nên không thể khai thác khi mực nước ở các sông xuống thấp. Hàng loạt trạm bơm đặt dọc hệ thống sông Hồng, sông Đáy... không thể tiếp cận được tới nguồn nước. Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị khai thác công trình thủy nông và chính quyền địa phương phải đầu tư nối dài thêm đường ống, nạo vét các kênh lấy nước bị bồi lấp và trong trường hợp cần thiết thì phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây hoa màu chịu hạn.
Bộ cũng đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án xả nước hợp lý từ ba nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang, nhằm bảo đảm đủ lượng nước cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chi 30 tỷ đồng để nạo vét, sửa chữa khẩn cấp hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, hệ thống sông tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam và phát động phong trào làm thuỷ lợi nội đồng để đảm bảo thông nước tới mặt ruộng…
Nhiều địa phương cũng đã bắt đầu triển khai các biện pháp chống hạn, đặc biệt là các tỉnh có thế mạnh trong sản xuất vụ đông. Tỉnh Hải Dương đã tiến hành thay đổi cơ cấu trà lúa vụ chiêm xuân, tỉnh Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các công trình thủy lợi để đảm bảo nước tưới cho cây trồng; tích cực tích nước trong các hồ chứa, đồng thời tổ chức các đoàn đi kiểm tra tình hình tại các địa phương, triển khai chống hạn…
Theo ThienNhien.Net