Cập nhật: 21/04/2010 15:19:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ LĐ- TB& XH cho biết, đuối nước là nguyên nhân tai nạn thương tích (TNTT) gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Đặc biệt, tử vong do đuối nước rất phổ biến trong kỳ nghỉ hè , còn được gọi là “mùa đuối nước”. Vì vậy, ngay từ bây giờ, việc trang bị các kỹ năng bơi cũng như xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ… là những giải pháp cấp bách để giảm nguy cơ tai nạn “đuối nước” xảy ra.

50% TNTT gây tử vong ở trẻ em là do "đuối nước"

 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, 50% TNTT gây tử vong ở trẻ em là do đuối nước.

 

Theo đó, Việt Nam là một quốc gia có nhiều ao, hồ, sông suối và đường biển dài suốt dọc đất nước, nhưng phần lớn trẻ em ở Việt Nam không biết bơi và mỗi ngày có khoảng 12 trẻ em chết đuối. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ trên một tuổi.

 

Kết quả điều tra ở một số trường tiểu học ở Hà Tĩnh cho thấy, chưa đến 10% trẻ có thể bơi được 25m mặc dù trẻ thường xuyên chơi đùa ở sông, suối, ao hồ. 84% trẻ bị đuối nước ở đồng bằng sông Cửu Long cũng là do không biết bơi.

 

Một số khu vực có hệ thống sông nước và kênh rạch chằng chịt như đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu di chuyển bằng tàu, thuyền cũng tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao. Trẻ em ở đây thường đi học bằng các phương tiện đường thủy nhưng không được trang bị áo phao và các thiết bị cứu hộ nên đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra đuối nước (41,9%). Thực tế, ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, người dân sống ở nhà nổi hoặc sử dụng nhà vệ sinh nổi. Tất cả các yếu tố trên đã tạo ra một môi trường không an toàn và dẫn đến nguy cơ đuối nước cao hơn ở trẻ em.

 

Luật an toàn đường thủy có hiệu lực từ ngày 1/1/2005, tuy nhiên thực tế việc thi hành luât vẫn có nhiều “lỗ hổng” như: tình trạng nhiều tàu, thuyền điều khiển không có bằng hoặc giấy phép, thuyền (phà) chất lượng thấp, thiếu các thiết bị an toàn đặc biệt là phao cứu hộ…cũng là những yếu tố làm gia tăng tỷ lệ đắm tàu, đồng nghĩa với việc cướp đi sinh mạng của nhiều người lớn và trẻ em.

 

Thiếu nhân viên cứu hộ cũng làm cho giao thông đường thủy nguy hiểm hơn, đặc biệt là đối với trẻ em. Theo đại diện của UNICEF, hầu hết các bờ biển, bờ sông đều không có lực lượng cứu hộ tuần tra. Đồng thời, chưa có quy định bắt buộc về sự có mặt của nhân viên cứu hộ tại các khu vực này.

 

Một phần rất quan trọng để cứu sống các trường hợp đuối nước là khả năng tiếp cận các dịch vụ điều trị và phục hồi chức năng. Ở Việt Nam, việc tiếp cận với các dịch vụ điều trị thường khó khăn cả trong vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế và khả năng xử trí.

 

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp để tiếp cận các dịch vụ sơ cấp cứu cũng làm tăng thêm nguy cơ tử vong do đuối nước ở trẻ em, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Đây là nơi có nhiều vùng nước không được bảo vệ, người dân không được trang bị những kiến thức sơ, cấp cứu cơ bản như hô hấp nhân tạo, chống sặc nước…

 

Phối hợp đồng bộ để giảm thiểu các nguy cơ “đuối nước”

 

Hiện, UNICEF đang phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực truyền thông, giáo dục cho cộng đồng và triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giảm TNTT.

 

“Rõ ràng nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu giảm đuối nước của trẻ em ở Việt Nam thì chúng ta cần phát triển một sự hợp tác chiến lược trên phạm vi toàn quốc và do Chính phủ lãnh đạo”. Bà Isabelle Bardem - Trưởng chương trình Phòng chống TNTT trẻ em của UNICEF nhấn mạnh.

 

Theo UNICEF, dạy bơi và tăng cường kỹ năng cho trẻ là một cách tiếp cận hiệu quả để giảm số trường hợp đuối nước. Chương trình này đã thực hiện tại 6 tỉnh và có hơn 3.000 trẻ đã được dạy bơi.

 

Đào tạo kỹ năng phòng chống đuối nước trẻ em cũng được tiến hành dưới nhiều hình thức như: hội thi vẽ tranh, biểu diễn, thi bơi; chiếu các bộ phim hoạt hình, phim ngắn; đào tạo sơ cấp cứu ban đầu cho giáo viên và cộng tác viên.

 

Ngành Thể dục Thể thao đã có một chương trình dạy bơi từ năm 2002 – 2010 tại một số tỉnh với khoảng 140.000 trẻ đã được dạy bơi.

 

Bên cạnh đó, Cục Đường sông Việt Nam cũng đang triển khai một số hoạt động nâng cao nhận thức của mọi người về an toàn đường thủy. Trong đó khuyến khích hành khách, nhất là trẻ em đi tàu, phà mặc áo phao và cung cấp miễn phí gần 1.700 áo cho các bến phà ở 20 tỉnh.

 

Đặc biệt, việc Bộ LĐ- TB& XH đã xây dựng kế hoạch liên ngành về phòng chống đuối nước trẻ em giai đoan 2009-2010 với 9 bộ ngành, đoàn thể cũng là một kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ liên ngành thì kế hoạch mới thực sự phát huy được hiệu quả. Đại diện của Bộ LĐ- TB& XH cho biết, kinh phí sẽ là một vấn đề rất quan trọng trong kế hoạch.

 

Hiện cả nước có 43 tỉnh, thành phố lập ban điều hành, 50 tỉnh xây dựng kế hoạch phòng chống TNTT cho trẻ em. Các mô hình cộng đồng an toàn, trường học an toàn, ngôi nhà an toàn cũng đang được nhân rộng tại các địa phương./.

 

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm