Việt Nam là quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số cư trú xen kẽ và phân bố trên địa bàn rộng lớn với ba phần tư diện tích lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, nơi có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái.
Cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết, kề vai sát cánh giúp đỡ nhau trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ khi có Ðảng và Bác Hồ lãnh đạo, truyền thống đoàn kết và yêu nước quý báu đó lại càng được hun đúc, phát triển lên tầm cao mới.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn khẳng định công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ chiến lược và có tầm quan trọng đặc biệt; đồng bào các dân tộc thiểu số là lực lượng to lớn và bộ phận quan trọng của cách mạng nước ta. Dù ở thời kỳ cách mạng nào, Ðảng và Nhà nước cũng rất quan tâm chăm lo cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các chủ trương, chính sách quan trọng cùng nguồn lực đầu tư đáng kể nhằm phát triển toàn diện và bền vững, vùng dân tộc thiểu số trên cả nước đang có nhiều đổi thay trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: Kinh tế đã có mức tăng trưởng khá, nhiều địa phương đã giảm nghèo nhanh và bước đầu sản xuất hàng hóa, cơ sở hạ tầng đã từng bước được hoàn chỉnh, môi trường sinh thái dần được cải thiện, hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi hơn để phát huy ý chí vươn lên nhanh chóng hòa nhập cùng với sự phát triển chung của cả nước.
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, Ðảng và Nhà nước ta quan tâm tổ chức hai Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở hai miền bắc và nam, nhằm bồi dưỡng lực lượng cách mạng ở những địa bàn chiến lược, tập hợp đồng bào, đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng tiến hành thắng lợi công cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước. Từ đó đến nay, Ðại hội các dân tộc thiểu số chưa có dịp được tổ chức. Ðể ghi nhận, tôn vinh và biểu dương sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả chặng đường dài của cách mạng, đồng thời tổng kết, đánh giá công tác dân tộc từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) đến nay, khẳng định đường lối, chính sách nhất quán về công tác dân tộc và chính sách đại đoàn kết dân tộc của Ðảng và Nhà nước ta, đồng thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước, Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã có Chỉ thị số 35, ngày 8-5-2009 về lãnh đạo Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định
số 757, ngày 8-6-2009 Phê duyệt Ðề án Ðại hội Ðại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Ðảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong thời gian bảy tháng (kể từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị đến hết tháng 1-2010), Ðại hội hai cấp đã có 311 huyện với gần 60 nghìn đại biểu và 51 tỉnh với gần
15 nghìn đại biểu được tổ chức thành công tốt đẹp. Ðại hội đã ghi nhận, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số; khơi dậy tinh thần yêu nước và tăng cường đoàn kết các dân tộc. Thông qua Ðại hội, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác dân tộc; tạo niềm tin và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc trước thềm Ðại hội lần thứ XI của Ðảng.
Bước vào năm 2010, với nét nổi bật là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm thành lập Ðảng, 65 năm thành lập nước, 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 35 năm Ngày thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...; là năm tiến hành Ðại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XI của Ðảng. Nhân dịp này, Ðảng và Nhà nước quyết định tổ chức Ðại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam với quy mô toàn quốc. Trong suốt mấy thập niên qua, đây là lần đầu tiên Ðại hội có điều kiện tập hợp đầy đủ đại biểu của 54 dân tộc, đại diện cho các thành phần xã hội, lĩnh vực, vùng miền, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và phát triển.
Ðại đoàn kết các dân tộc là đặc điểm nổi bật nhất xuyên suốt các thời kỳ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, truyền thống đó ngày càng được củng cố và phát huy, làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Ðại hội này động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, thống nhất ý chí và hành động, tạo niềm tin của cộng đồng các dân tộc thiểu số vào tương lai phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước. Ðại đoàn kết dân tộc và phát triển nhanh, bền vững vùng dân tộc thiểu số là nội dung quan trọng của Ðại hội nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân tộc vì mục tiêu: "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; khơi dậy tinh thần yêu nước, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh trước âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và chống phá cách mạng Việt Nam. Những mục tiêu quan trọng của công tác dân tộc đến năm 2020 là: Phấn đấu nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng; thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập giữa các dân tộc, các vùng; đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, mỗi năm giảm từ 4 đến 5% số hộ nghèo; các xã có đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu: Ðường ô-tô đi được bốn mùa đến trung tâm các xã, thôn, bản; có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh ở những nơi cần thiết; có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nhân dân được chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh; hầu hết hộ đồng bào có nhà ở ổn định, có điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc, bảo đảm trẻ em trong độ tuổi được đến trường, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông, người lao động được đào tạo nghề; văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị được tăng cường, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở được củng cố và nâng cao chất lượng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm quốc phòng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ủy ban Dân tộc đang tiếp tục tham mưu với Chính phủ xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020. Với quyết tâm lớn của Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội hướng về người nghèo, sát cánh bên họ, trợ giúp họ vượt qua khó khăn thách thức, chắc chắn chúng ta sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác để cùng hội nhập và phát triển.
Ðược Ðảng và Nhà nước quan tâm tổ chức Ðại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất là vinh dự lớn lao và là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Tại Ðại hội này, đồng bào các dân tộc bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc với Ðảng và Nhà nước; đồng thời xin hứa: Tuyệt đối trung thành với Ðảng và Nhà nước, phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Theo Nhandan Online