Trong một nghiên cứu mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã lên tiếng cảnh báo những nỗ lực xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đang có xu hướng chững lại và kêu gọi phát động một chiến dịch toàn cầu mạnh mẽ hơn về vấn đề này.
Số lượng lao động trẻ em trên toàn thế giới đã giảm 3% trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2008, so với mức giảm 10% trong giai đoạn 2000-2004. Con số này cho thấy “tốc độ giảm lao động trẻ em toàn cầu đang chậm dần lại”. Thông tin này do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra tại buổi công bố Báo cáo toàn cầu 2010 (báo cáo 4 năm một lần) về lao động trẻ em ngày 8/5 vừa qua.
ILO cũng bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đang diễn ra có thể ảnh hưởng lớn hơn đến việc thực hiện mục tiêu loại bỏ việc trẻ em phải lao động. Báo cáo cũng đề xuất cần đặt các chính sách để giải quyết tình trạng lao động trẻ em ở vị trí trung tâm trong chương trình phát triển của các nước.
Giám đốc Chương trình Quốc tế về loại bỏ lao động trẻ em của Tổ chức Lao động quốc tế, bà Constance Thomas cho biết, tiến trình thực hiện mục tiêu giảm lao động trẻ em đang chậm lại. Nếu xu hướng này tiếp tục, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu loại bỏ các hình thức nguy hiểm của lao động trẻ em vào năm 2016. Hiện có 215 triệu lao động trẻ em; 115 triệu trong số đó phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ. Chúng tôi đã ghi nhận được mức giảm 10% số lao động trẻ em từ 5 đến 14 tuổi và mức giảm 31% trẻ em làm việc trong những môi trường nguy hiểm nhất.
Bà Constance Thomas, đưa ra một số thách thức chính còn tồn tại đối với việc xóa bỏ lao động trẻ em, bao gồm, mức độ nghiêm trọng của vấn nạn lao động trẻ em ở châu Phi nơi cần có bước đột phá về xóa bỏ lao động trẻ em trong khu vực nông nghiệp – khu vực có nhiều lao động trẻ em làm việc nhất – cũng như tính cấp thiết trong việc xác định các hình thức lao động trẻ em “trá hình”, lại chính là những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.
“Hầu hết lao động trẻ em có nguyên nhân gốc rễ từ đói nghèo. Đường hướng giải quyết vấn đề này đã rõ ràng. Chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả trẻ em có cơ hội đến trường, chúng ta cần có hệ thống bảo trợ xã hội giúp đỡ những gia đình dễ bị tổn thương – đặc biệt trong những giai đoạn khủng hoảng – và chúng ta cần đảm bảo rằng người lao động có cơ hội việc làm bền vững. Những biện pháp này, kết hợp với thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả, chính là con đường đúng đắn cần hướng đến”, bà Thomas nói.
Trong khi châu Á -Thái Bình Dương và Mỹ Latinh và Caribe đạt tiến bộ lớn nhất về số lao động trẻ em thì tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn ở khu vực cận sa mạc Saraha châu Phi với tỷ lệ 1/4 số trẻ em ở khu vực này bị bóc lột sức lao động. Khoảng 60% số lao động trẻ em trên thế giới làm việc trong nông nghiệp và không có cơ hội được học hành.
Báo cáo của ILO được công bố trước khi diễn ra Hội nghị toàn cầu về lao động trẻ em ở thành phố The Hague, Hà Lan vào 2 ngày 10-11/5/2010 có sự tham gia của 450 đại biểu từ 80 quốc gia. Đại biểu của Việt Nam tham dự đến từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và đào tạo.
Hội nghị toàn cầu về lao động trẻ em tổ chức ở Hội nghị toàn cầu về lao động trẻ em năm 2010 sẽ xem xét một lộ trình mới để đạt mục tiêu loại trừ mọi hình thức bóc lột sức lao động của trẻ em vào năm 2016, trong đó kêu gọi các nước đưa vấn đề lao động trẻ em thành chủ đề quan trọng của chương trình phát triển quốc gia./.
Báo điện tử ĐCSVN