Cập nhật: 19/05/2010 15:10:24 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dịch tai xanh bắt đầu bùng phát ở Hải Dương từ gần 2 tháng qua, sau đó lan ra Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang... Đến thời điểm này, dịch đã xuất hiện ở 15 tỉnh. Tuy được Nhà nước hỗ trợ một phần thiệt hại nhưng người chăn nuôi vẫn không khỏi đau xót, điêu đứng...

 

“Của đau con xót”

 

Ngày 16/4/2010, dịch lợn tai xanh xuất hiện tại thôn Kim Đào, thị trấn Thứa (Lương Tài - Bắc Ninh) với số lợn ốm là 71 con, chết 8 con. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, dịch tai xanh đã xảy ra tại 79 xã thuộc 8/8 huyện với tổng số lợn mắc bệnh là 17.800 con, tổng số lợn bị chết và tiêu hủy là 6.300 con.

                         

Tại xã Liên Bão (Tiên Du), một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất bởi dịch bệnh, người dân vẫn đang sống trong cảnh lo âu, tiếc nuối. Con đường từ thị trấn Lim vào Liên Bão vôi trắng rắc đầy. Theo ông Trần Mạnh Khang, Phó chủ tịch UBND xã, 4 thôn đang chịu “bão” tai xanh là Hoài Thị, Hoài Thượng, Hoài Trung và Bái Uyên. Đến nay, cả xã có hơn 270 con lợn chết, trong đó riêng thôn Hoài Thị dịch đã cướp trên 180 con lợn.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn San ở thôn Hoài Thị đang bị dịch tai xanh làm cho chao đảo. Sau một tuần tự tay chở đàn lợn ra đồng tiêu hủy, đến giờ ông San vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhìn vào chuồng trại, chỉ thấy vôi là vôi. Vỏ bao thức ăn, vòi nước rửa chuồng... vứt chỏng chơ ở góc vườn. Không khí chán nản bao trùm lên nhà ông San. Ông San xót xa nói: “Bao nhiêu đồng vốn của gia đình đều dồn vào đầu tư, chăm bẵm đàn lợn, thế mà thoáng chốc đã chẳng còn con nào”.

 

Chị Phạm Thị Tâm, người dân thôn Bái Uyên cho biết: “Vì dịch tai xanh mà cả làng khốn khổ. Thời gian đầu, thấy lợn chết, dân vứt đầy kênh mương, bốc mùi hôi thối khắp làng. Đến nay thì hầu như đàn lợn nhà nào cũng bị dịch tai xanh, một số gia đình đang cố điều trị. Ngoài chợ không ai dám mua thịt lợn ăn nữa. Thấy UBND xã thông báo là được Nhà nước hỗ trợ 18.000 đồng/kg lợn con và 25.000 đồng/kg lợn nái, chúng tôi rất vui nhưng số tiền đó cũng chẳng thấm tháp gì so với thiệt hại này. Việc khôi phục đàn lợn là vô cùng khó khăn”.

 

Khảo sát tại các chợ, quán ăn, nhà hàng ở huyện Tiên Du, gần như không có ai bán thịt lợn mà đều chuyển sang bán thịt bò, thịt gà... Từ khi phát hiện ra dịch, cán bộ của Trạm Thú y huyện hầu như không có ngày nghỉ, được phân công túc trực ở các xã. “Cả huyện 14 xã, thị trấn hiện chỉ có một chốt kiểm dịch lập ở thôn Hoài Thị (Liên Bão) vì đây là nơi có nhiều hộ buôn lợn, chuyên nhập hàng cho Hà Nội”, bà Trần Thị Phượng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tiên Du cho biết.

 

Tại điểm chôn lấp ở thôn Hoài Thị, khi mọi người đã về hết, còn duy nhất một người phụ nữ vẫn thẫn thờ nhìn một cách vô định. Thấy chúng tôi hỏi thăm, chị chua xót nói: “Chắt bóp mấy năm mới được vài chục triệu, tôi dồn cả vào làm chuồng trại nuôi lợn, nhưng dịch tai xanh tràn qua đã làm hơn chục con lợn chết như ngả rạ. Chúng tôi lo quá, không biết sau này lấy tiền đâu ra để gây dựng đàn lợn”.

 

Nhao nhác vì dịch

 

Hiện nay, cả nước có 15 tỉnh là Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình và Cao Bằng có dịch Tai xanh chưa qua 21 ngày.

 

Hưng Yên cũng là tỉnh gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tai xanh. Tại huyện Văn Lâm, mùi khét, ngai ngái của vỏ trấu, quả bồ kết cháy và khói rơm rạ bốc lên nồng nặc khắp các xóm làng. Từ những nhà có nuôi lợn cho đến đường làng, ngõ xóm, khu chăn nuôi đều được rắc vôi bột trắng xóa.

 

Mấy ngày nay, chị Trần Thị Lan ở thôn Trịnh Xá, xã Chỉ Đạo (Văn Lâm) buồn rười rượi vì đàn lợn gần 100 con đang mạnh khỏe, béo tốt bỗng mắc bệnh tai xanh, đi ngoài, sốt li bì rồi chết. Giờ chuồng nhà chị chỉ còn hơn 20 con đang thoi thóp. “Tôi đã dùng đủ mọi cách như tiếp nước, tiêm kháng sinh, vệ sinh chuồng trại nhưng không thể cứu được”, chị Lan kể. Ông Trần Mạnh Tĩnh, cán bộ thú y huyện Văn Lâm cho biết, nhiều gia đình đã phải tiêu hủy hàng trăm con lợn, có gia đình thiệt hại lên tới hơn 200 triệu đồng.

 

Ở xã Đại Đồng, nhiều chủ trang trại và các nhiều hộ chăn nuôi lợn cũng đang đứng bên bờ vực phá sản. Vợ chồng chị Nguyễn Thị May, anh Dương Văn Quế cả tuần nay không ăn không ngủ, mặt ai cũng héo như tàu lá. Tổng đàn heo của gia đình anh lên tới hơn 200 con, chỉ sau một tuần, nhiều ô chuồng đã trống không. Theo ông Lê Văn Sơ, Trạm trưởng Trạm Thú ý Văn Lâm, cả trạm có 4 nhân viên thú y thì những ngày này tất cả đều phải túc trực ở các xã để phát hiện ổ dịch mới và khuyến cáo người dân cách phòng, chống và xử lý tiêu hủy. ông Sơ cho biết, dịch đã xuất hiện ở 34 thôn trong huyện, làm hơn 10.500 con lợn mắc bệnh, trong đó chết và tiêu hủy trên 4.300 con.

 

Tại tỉnh Thái Bình, tính đến ngày 18/5/2010, dịch tai xanh đã làm 10.553 con lợn ốm, tiêu hủy 3.190 con, 6.246 con đã chữa khỏi. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thái Bình cho biết: “Chúng tôi đang mời Cục Thú y và Cơ quan Thú y vùng II về kiểm tra và làm các thủ tục công bố hết dịch. Tỉnh đã có quyết định về hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn bệnh. Sau khi công bố hết dịch, cơ sở sẽ báo cáo số liệu tổng hợp lợn phải tiêu hủy lên cấp trên thẩm định, sau đó người dân sẽ được nhận hỗ trợ kinh phí”.

 

Hiện, dịch tai xanh đang diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thích đáng để giúp người dân vượt qua cơn bĩ cực, tạo niềm tin, động lực cho bà con khôi phục chăn nuôi sau dịch.

 

 

 

Báo điện tử Kinh tế nông thôn

Tệp đính kèm