Dự báo với hiện tượng thời tiết đang diễnrất dễ xảy ra các hiện tượng nguy hiểm như tố lốc, gió giật mạnh, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Trong những ngày qua, thời tiết ở các tỉnh Bắc bộ chịu ảnh hưởng của rìa phía bắc rãnh áp thấp nên tại một số nơi có mưa rào và dông. Những trận mưa đã giúp cho nhiều địa phương giải toả được tình hình khô hạn phục vụ sản xuất và chống cháy rừng. Dự báo với hiện tượng thời tiết đang diễnrất dễ xảy ra các hiện tượng nguy hiểm như tố lốc, gió giật mạnh, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi. Vì vậy, các tỉnh miền núi phía Bắc đang đẩy mạnh các biện pháp phòng tránh.
Từ ngày 26/5, tại nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai đã có mưa vừa và mưa to, lượng mưa từ 20 - 50 mm. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm giao mùa nên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh chỉ đạo ban chỉ huy các cấp triển khai các biện pháp phòng chống mưa lốc, lũ quét sạt lở đất có thể xảy ra; tổ chức rà soát, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn và các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, để các phương tiện và nhân dân qua lại cảnh giác với mưa lũ.
Đối với những hộ dân sinh sống dưới chân đồi núi cao, ven các suối khe có độ dốc lớn, chính quyền các xã khuyến cáo bà con đề phòng mưa lớn cục bộ về ban đêm có thể xảy ra lũ quét bất ngờ, đặc biệt không ngủ đêm ở nương rẫy.
Ông Ma Quang Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: “Thường trực ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh đi nắm bắt tình hình và chỉ đạo các cơ quan, các huyện có liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ dưới sự chỉ đạo rất chặt chẽ của tỉnh và thực hiện nghiêm túc. Lào Cai xây dựng một chương trình di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hàng năm đôn đốc ráo riết những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm”.
Mấy ngày qua, tại Điện Biên cũng có mưa rào cục bộ, tuy không có trận mưa nào lớn nhưng theo ông Nguyễn Văn Định, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Điện Biên, năm nay mưa đến sớm hơn mọi năm.
Cùng với việc khắc phục những thiệt hại do mưa lốc gây ra, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo tất cả các huyện, thành phố triển khai ngay các biện pháp phòng chống lũ quét và sạt lở đất.
Công việc này đang được huyện Mường Ảng tích cực triển khai, nhằm di dời toàn bộ 30 hộ dân ở bản Pí, xã Xuân Lan ra khỏi vùng có nguy cơ sạt trượt đến nơi an toàn. Ông Vũ Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên nói: “Toàn huyện có 10 xã, thị trấn nằm trên địa hình phức tạp núi cao chia cắt với nhiều điểm trượt cạnh sông suối nên việc di chuyển dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét rất nhiều. Căn cứ nguồn lực chúng tôi làm từng điểm. Lần nà, cả bản Pí có nguy cơ nên phải chuyển.
Ngày 10/6, san ủi mặt bằng xong để đưa dân đến, đồng thời làm đường giao thông, điện và nước sinh hoạt cũng đang tiến hành. Xã và nhân dân cam kết khi xong mặt bằng là bà con sẽ di dời đến ngay”.
Tại Yên Bái, hiện nay, 2.000/5.000 hộ dân ở Yên Bái thuộc vùng có nguy cơ sạt lở đã được di dời đến nơi an toàn. Để giúp người dân tiếp tục phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất hiệu quả, tỉnh Yên Bái tổ chức nhiều lớp tập huấn tại các xã, nhất là ở các xã của 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Trải- nơi địa hình phức tạp, thường bị chia cắt khi xuất hiện mưa lũ.
Đồng thời, triển khai phương án dự trữ lương thực, nước uống và cơ số thuốc để cứu trợ người dân nếu tình huống xấu có thể xảy ra. Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Yên Bái cho biết “Hiện nay, 100% ô tô đến được các xã, nhưng các xã vùng cao, vùng sâu thì không đi được.
Ngành công thương chuẩn bị lương thực phẩm, xăng dầu để nếu tình huống xấu xảy ra thì có thể cứu hộ được ngay. Bộ chỉ huy quân sự chuẩn bị lực lượng dự phòng. Đồng thời giao cho các huyện, mỗi người dân phải dự phòng 5 ngày lương thực để đảm bảo sau 5 ngày cứu hộ mới đến được. Trừ trường hợp mất hết nhà cửa”.
Mùa mưa bão đang đến gần, để có thể giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ xảy ra thì trách nhiệm không chỉ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mà còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân./.
Theo vovnews.vn