Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 27-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 5,5 độ vĩ bắc; 116,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 490 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây bắc và bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Ðến 13 giờ ngày 28-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ vĩ bắc; 115,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.
Những ngày cuối tuần, các tỉnh miền bắc sẽ chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục khoảng 24 - 26 độ bắc bị nén và đẩy dịch dần xuống phía nam, bởi bộ phận tăng áp từ phía bắc gây mưa trên diện rộng kèm theo hiện tượng thời tiết nguy hiểm như tố lốc và gió giật mạnh; các khu vực miền núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất đá.
Hiện nay, mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng đang lên, trong đó mực nước sông Thao đã vượt báo động (BÐ) 1 là 0,31 m; mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 5,78 m. Mực nước hạ lưu sông Thái Bình đang lên ở mức 2,73 m. Dự báo, mực nước sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên 31 m (ở mức BÐ 2); tại Phú Thọ 18 m (trên BÐ 1 là 0,5 m); sông Hồng tại Hà Nôi lên 5,8 m. Sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức 2,15 m và sẽ đạt đỉnh trong ngày hôm nay (28-8). Các sông ở Thanh Hóa, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đang xuống, riêng sông Cả lên chậm. Mực nước sông Cả tại Nam Ðàn là 5,07m và tiếp tục lên.
Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia TKCN vừa có Công điện số 24/CÐ-T.Ư, gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Quảng Ninh; các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền; thông báo kịp thời cho chủ phương tiện; tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo đó, vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định phía bắc vĩ tuyến 13. Ðồng thời quản lý, theo dõi chặt chẽ việc ra khơi của các phương tiện, tàu, thuyền, giữ vững thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu, thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra...
Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cũng chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người bị nạn, tổ chức giúp dân sửa chữa khôi phục nhà cửa; vệ sinh môi trường phòng tránh dịch bệnh; bơm tiêu úng sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên sông Cả. Triển khai công tác phòng, chống lũ theo cấp báo động, sẵn sàng phương án, lực lượng đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra. Tỉnh Nghệ An chỉ đạo ngành giáo dục khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh trường lớp để đón học sinh chuẩn bị năm học mới. Dự kiến ngày 30-8, gần sáu nghìn học sinh hai huyện Hưng Nguyên và Yên Thành sẽ tới trường. Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh cũng đề nghị các trường không tổ chức dạy và học nếu trường học vẫn còn ngập lụt, để bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh. Bão số 3 gây mưa lớn làm ngập hơn 8.500 ha lúa hè thu, 1.390 ha đậu, hàng trăm ha lạc, sắn và ngô đông trên địa bàn Hà Tĩnh. Ngay sau mưa bão các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng, vận động nhân dân tập trung tiêu úng thu hoạch lúa chạy lụt, phấn đấu thu hoạch lúa xong trước ngày 31-8. UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định hỗ trợ 500 triệu đồng cho huyện Nghi Xuân và 200 triệu đồng cho huyện Lộc Hà là hai huyện chịu thiệt hại nặng nhất của cơn bão số 3. Tại Km 19, đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình) một tảng đá nặng gần 50 tấn đã bất ngờ đổ sập xuống, khiến giao thông bị tê liệt. Hiện các ngành chức năng trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục để thông đường trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, để tránh hàng hóa ứ đọng tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, do điểm sạt lở dọc quốc lộ 12A đoạn qua huyện Minh Hóa vẫn bị sạt lở, UBND tỉnh Quảng Bình cho thông lại tuyến đường tạm chạy song song với điểm sạt lở qua xã Trọng Hóa. Gần 250 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 và Tỉnh đội Quảng Trị đã về các xã vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng giúp nông dân gặt lúa. Trong đó có tới hơn 1.700 ha đã bị ngập hết 100%, đến nay, đã tổ chức thu hoạch được hơn 1.300 ha. Tỉnh Thừa Thiên - Huế, với sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội, các đoàn thể địa phương, bà con nông dân trên địa bàn đã thu hoạch được hơn 60% trong số hơn 2.500 ha lúa hè - thu bị đổ, ngập úng do bão số 3. Ngoài ra, hơn 80% số nhà cửa, trường học bị sập và tốc mái trong trận lốc ngày 23-8 tại các huyện Quảng Ðiền và Phú Vang đã được sửa chữa.
Trong hai ngày qua, tại Ðồn Biên phòng 228 và xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) tổ chức diễn tập PCLB và TKCN năm 2010. Với tình huống giả định do mưa bão, tố lốc một số tàu, thuyền ngư dân bị chết máy, sóng đánh chìm... được cứu hộ, cứu nạn kịp thời, sơ cứu và đưa vào bờ bàn giao cho lực lượng y tế của địa phương cấp cứu.
Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị vừa triển khai xong việc cấp phát 140 máy trực canh cho 140 chủ tàu đánh bắt hải sản trung, xa bờ. Ðây là số máy trực canh thuộc Dự án tài trợ cho ngư dân của Chính phủ. Máy có chức năng thu trực canh, báo thông tin về thời tiết biển từ nguồn thông tin dự báo thời tiết của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, tự động cập nhật, cảnh báo thông tin, đồng thời có chức năng như máy ra-đi-ô, trị giá hai triệu đồng/chiếc.
UBND TP Hà Nội quyết định hỗ trợ mỗi gia đình thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh bị ảnh hưởng của lốc xoáy trưa 25-8 bị sập nhà với mức năm triệu đồng, mỗi người bị thương 500.000 đồng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ thành phố cũng đến thăm và tặng quà cho ba gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, mỗi hộ năm triệu đồng. Từ ngày 27-8 đến 30-9, Chi cục Quản lý đê điều và PCLB TP Hà Nội tiến hành gia cố, đổ gần 120.000 m3 đá hộ chân đê, kéo dài khoảng 2,7 km từ khu vực Ðền Rừng (phường Ngọc Thụy) đến khu vực chùa Bồ Ðề (phường Bồ Ðề, quận Long Biên). Ðây là khu vực chân đê bờ Tả sông Hồng bị sạt lở mạnh trong thời gian qua. Kinh phí đầu tư dự toán khoảng 50 tỷ đồng. Tại huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây lũ cuốn trôi một cháu nhỏ, hai người bị thương nặng; 20 nhà bị sập và hư hỏng; 61,7 ha ao cá ngập tràn, vỡ một đập thủy lợi, hư hỏng 107 m kênh mương... UBND huyện đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ gia đình có người chết ba triệu đồng, đồng thời huy động các lực lượng tại địa phương giúp các gia đình dựng nhà tạm để nhân dân ổn định cuộc sống. Ngày 27-8, tỉnh Lào Cai có mưa, mưa rào và dông diện rộng. Lượng mưa phổ biến hơn 30 mm khiến nước các con sông, suối trên địa bàn dâng cao, gây thiệt hại một số diện tích hoa màu, ao cá ở các huyện Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát... Dự báo, thời tiết trên địa bàn tỉnh còn diễn biến xấu, các địa phương tăng cường kiểm tra, khuyến cáo nhân dân ở các xã vùng núi chủ động phòng tránh lũ quét và sạt lở đất. Do mưa to đã làm lở đất, đá rơi vào nhà anh Bùi Văn Chương, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) làm hai người bị thương nặng. Theo dự báo mưa to kéo dài khả năng đất trên đồi lở và kéo theo những khối đá to lăn xuống. Vì vậy, người dân sống ở vùng cao, đồi hoặc dưới chân núi nên đề phòng những chỗ nghi ngờ dễ bị sạt lở để chủ động di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn.
Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng
Vừa qua, Trung tâm quản lý, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) tổ chức Hội thảo "Hướng tới một cam kết hỗ trợ thực hiện Chương trình về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng của Chính phủ". Mục tiêu chung của chương trình là nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức có hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền và người dân ở các làng, xã nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa do thiên tai gây ra, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nội dung của hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ đã thực hiện tại Việt Nam và thảo luận, xây dựng khung cam kết hỗ trợ thực hiện dự án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng đang được triển khai thực hiện.
Theo Nhandan Online