Cập nhật: 17/11/2010 16:06:12 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian gần đây, khí hậu nước ta đang có những diễn biến bất thường. Ðiển hình là tình trạng lũ chồng lên lũ ở miền trung, hay hiện tượng triều cường đột biến tại TP Hồ Chí Minh với cường độ lớn trong những ngày gần đây.

Mặc dầu đã được các nhà khoa học cảnh báo sớm, nhưng thực tế tại nhiều địa bàn người dân vẫn chưa thật sự chủ động đối phó với thiên tai, nên vẫn bị thiệt hại lớn về người và của.

 

Diễn biến thời tiết ở nước ta đang ngày càng trở nên phức tạp. Các hiện tượng cực đoan xảy ra ngày càng nhiều như lũ về muộn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền bắc, nước sông cạn xuống mức thấp kỷ lục. Nhiều 'kỷ lục' khí tượng khắc nghiệt nhất trong lịch sử hơn 100 năm đã được ghi nhận. Ðiều này cũng trùng hợp với dự báo từ đầu năm của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương là trong năm 2010 khí hậu, thời tiết nước ta sẽ có nhiều biến động bất thường. Mùa mưa, bão, lũ năm 2010, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Cần đề phòng bão mạnh, lũ lớn, lũ quét; sạt lở đất có khả năng xảy ra ở một số khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ.

 

Tình hình trên cho thấy, cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả của đợt mưa, lũ vừa qua, chúng ta cần sớm có những giải pháp thiết thực, có hiệu quả, sẵn sàng, chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong thời gian tới. Trước mắt cần tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác dự báo thời tiết. Ai cũng biết rằng, đã là dự báo thì không thể chính xác 100% được, nhưng yêu cầu của cuộc sống muốn có sự chính xác càng sát với những thực tế xảy ra càng tốt. Chúng ta không thể phủ nhận, trong mấy năm gần đây, do ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và có sự phối hợp với một số Ðài khí tượng thủy văn một số nước trong khu vực, trong công tác dự báo thời tiết, dự báo bão của chúng ta có những tiến bộ. Quá trình hình thành và đến khi kết thúc một cơn bão đều được thông tin đến các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp, bão và áp thấp nhiệt đới ở xa thì dự báo chính xác, nhưng khi bão vào gần và sát đất liền thì độ chính xác của dự báo càng giảm đi.

 

Công tác thông tin truyền thông đến các tầng lớp nhân dân trước và sau khi thiên tai, lũ lụt xảy ra cũng cần có sự cải tiến. Hiện nay, với sự bùng nổ của thông tin, ngoài máy thu thanh, thu hình, hầu như gia đình nào của Việt Nam cũng có. Ðối với những tàu thuyền đánh cá trên biển, ngoài những phương tiện thông tin thông thường, họ còn có máy bộ đàm để nhận được thông tin về dự báo thời tiết của mạng lưới thông tin ven biển của ngành hàng hải. Ðó là những phương tiện rất tốt để tiếp nhận các nguồn thông tin. Tuy nhiên hiệu quả của việc thông tin này chưa phát huy được hết tác dụng.

 

Sự bất thường của thời tiết năm nào cũng xảy ra và gặp nhiều nơi trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Trước đây, những biến động này thường nhỏ và diễn ra rất nhanh nên người dân ít cảm nhận được. Nhưng đầu năm 2010, việc có mùa hè giữa mùa đông là dấu hiệu rõ nhất về biến đổi khí hậu. Ðó là dấu hiệu báo trước cho chúng ta thấy năm 2010 có thể sẽ phải đối mặt với nhiều mối họa thiên tai khác nữa. Rất khó có thể dự báo được các hiện tượng thời tiết cực đoan vốn luôn xảy ra bất ngờ. Vì vậy, chúng ta cần phải có những biện pháp để chủ động phòng, tránh những hiện tượng thiên tai bất thường này. Quan trọng nhất là chúng ta không được chủ quan, cần chủ động xây dựng các biện pháp phòng, tránh hiện tượng thiên tai bất thường.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm